Tết đến, thăm lò 'thổi cát thành vàng' duy nhất còn sót lại nơi thủ đô

author 13:00 29/01/2017

(VietQ.vn) - Nghề thổi thủy tinh là nghề “thổi cát thành vàng” bởi với những hạt cát “vô tận” ngoài biển khơi kia đã được các công nhân sáng tạo để tạo thành những sản phẩm thuỷ tinh đa dạng, mang lợi nhuận kinh tế cao cho người lao động.

Nghề thổi thủy tinh đã có từ khá lâu ở xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Tây). Trải qua năm tháng, nhiều máy móc phát triển, nghề này đã dần mai một, hiện giờ không còn ai trong xã đốt lò thổi thuỷ tinh nữa. Thay vào đó, dân ở đây phần lớn chuyển sang làm ống tiêm y tế.

Những tưởng hình ảnh người thổi thuỷ tinh chỉ còn trong ký ức, thì nay chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 40km về phía Nam, chúng tôi tìm đến gia đình anh Đào Văn Sản (40 tuổi)- thôn Đại Gia, xã Thị Phú, huyện Phú Xuyên. Đây là hộ gia đình duy nhất còn sót lại vẫn giữ được nghề “thổi cát thành vàng” này.

“Thổi thủy tinh là một kỹ năng có từ rất xưa nhưng khi người ta chế ra được những chiếc máy thổi thủy tinh tự động, những chiếc máy này dùng nguyên lý chân không để hút khối lượng thủy tinh nóng chảy vừa đủ để chế tạo ra vật dụng mong muốn thì cái nghề thổi thủy tinh theo phương pháp truyền thống của con người càng lúc càng ít người làm”.

Sau khi cát trắng được cho vào lò và nung trong tình trạng nóng chảy, thủy tinh được “gia công” theo nhiều cách như thổi, ép, kéo, cuốn… Nhưng phương pháp gia công và phổ biến đã được áp dụng trong hàng mấy trăm năm nay vẫn là “thổi”.

Trước tiên phải “quện” thủy tinh nóng chảy vào đầu một cái ống bằng sắt dài rồi kê miệng vào đầu kia của ống và thổi. Bằng cách này, thủy tinh ở đầu kia chảy nở phình ra như cái bong bóng xà phòng. Trong lúc thổi, người thợ phải tạo hình và làm cho có độ dày thích hợp.

Khi đang thổi nếu thủy tinh bị nguội, người thợ có thể đem vào lò hơ lại chó nóng lên và làm nốt công đoạn cho đến khi hoàn thành món đồ mong muốn. Chỉ vậy thôi, người thợ thủy tinh đã chế tạo ra nhiều đồ vật có giá trị cao về cả mặt thẩm mỹ và kinh tế.

Anh Sản vừa vuốt mồ hôi trên mặt vừa nói: “Làm nghề này chỉ phải học khoảng 2 tháng là cùng, nhưng vất vả lắm. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì nóng khủng khiếp. Lúc nào cũng phải làm việc xung quanh lò nung cả nghìn độ không khác gì “lò bát quái” đâu”.

Theo anh một sản phẩm ra lò đẹp cần đạt các yếu tố: không lồi lõm, không méo mó, ít nổi bọt trên thân, dày dặn, khít với kích cỡ khuôn mẫu…Mỗi xưởng sản xuất thủy tinh đều có những bí quyết riêng trong công đoạn ủ sản phấm. Thời gian ủ và nhiệt độ thích hợp với từng sản phẩm sẽ quyết định độ sáng cũng như độ bền của sản phẩm.

“Để có những sản phẩm thủy tinh chất lượng cao thì nhiệt độ ổn định của lò đốt vô cùng quan trọng. Muốn có sự trong suốt của thủy tinh ngoài các hóa chất phụ gia, thì nhiệt độ trong lò luôn phải ổn định, không được quá cao, cũng không được thấp quá” – Anh Sản chia sẻ.

Trò chuyện với những người thợ nấu thủy tinh ở đây được biết, mỗi ngày trung bình 1 lò nấu khoảng 3 -  5 tạ thủy tinh, với số thuỷ tinh này bình quân mỗi ngày sẽ nấu được 200 – 300 sản phẩm. Tuỳ từng sản phẩm thì giá tiền lại khác nhau. Thấp nhất là 30 nghìn đồng và cao nhất là 150 nghìn đồng.

Một ngày 2 ca làm việc, những thợ thủy tinh phải thức đêm bên cạnh bếp lò sôi ùng ục vớinhững nước, lửa và tiếng thủy tinh va nhau.Thổi thủy tinh thủ công đòi hỏi người thợ phải dày dạn kinh nghiệm trong công đoạn thổi, vừa đảm bảo độ đồng đều của sản phẩm và không tốn lực.

 Anh Đào Văn Sản (40 tuổi), anh đã có 15 năm trong nghề thổi thuỷ tinh. Bình quân một ngày gia đình anh thổi được khoảng 200 bình ngâm rượu thuỷ tinh to, nhỏ.

Nghề thổi thủy tinh là một trong những nghề mà người công nhân luôn phải làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, để làm ra những sản phẩm chất lượng. Thế mạnh của nghề thổi thuỷ tinh là nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí lao động rẻ, chi phí đầu tư thấp.

Tết đến, thăm lò “thổi cát thành vàng” duy nhất còn sót lại nơi thủ đô

Niềm vui khi sản phẩm ra lò của người công nhân.

 

 

 

 

 

 

Tết đến, thăm lò “thổi cát thành vàng” duy nhất còn sót lại nơi thủ đô

Những chiếc bình thành phẩm được nhiều lái buôn vận chuyển đi bán. Giá của những chiếc bình này từ 30 – 150 nghìn đồng tuỳ loại to nhỏ.

 Những người thợ ở đây đều đang cố gắng nâng cao chất lượng cho những chiếc bình được làm ra mịn hơn, chắc chắn hơn. Với mức lương 200 - 230 nghìn đồng/người/ngày đối với thợ chính, từ 130 nghìn - 170 nghìn đồng/người/ngày đối với thợ phụ, họ vẫn là trụ cột chính của những gia đình ở làng quê yên ả.Và có thể nói, họ vẫn đang là những người thợ yêu nghề sâu sắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc Tết các văn nghệ sĩ, nhà khoa học(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời kỳ trước đây, khi điều kiện còn khó khăn hơn nhiều chúng ta vẫn có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng, giáo dục sâu sắc.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang