Nghi án Vinaphone "găm hàng, làm giá" iPhone 5s?

author 07:46 18/11/2013

iPhone 5s chính hãng được phân phối bởi Vinaphone “cháy hàng” là điều có thể hiểu được, nhưng vẫn còn đó những góc khuất không phải ai cũng biết.

Sự kiện:

Từ thời điểm iPhone 5s chính hãng được bán ra, tình trạng cháy hàng trên diện rộng trên thị trường đã xảy ra. Tại các điểm bán hàng của cả 2 nhà mạng Viettel và Vinaphone thì lượng người có nhu cầu mua iPhone 5s luôn vượt hơn nhiều lần con số thiết bị có thể cung ứng. Chả thế mà có chuyện khách hàng phải xếp hàng lấy số, “bốc thăm trúng thưởng” mới mong được quyền mua iPhone 5s như mong muốn.

Giá tốt, chính sách bảo hành chính hãng, đi kèm ưu đãi cước sử dụng là những ưu điểm không thể chối cãi và hút khách tìm đến các nhà mạng trong đợt hàng này. Thế nhưng  như một câu chuyện muôn thủa ở Việt Nam, “Cầu nhiều ắt có.. tiêu cực”! 

Quang cảnh ảm đạm của điểm dao dịch khi đã "hét máy" iPhone 5s để bán.

Hẳn bạn đọc vẫn chưa quên giá bán “trên trời” 47 đến 52 triệu của chiếc iPhone 5s phiên bản Vàng Sâm-panh đầu tiên về Việt Nam cách đây chưa lâu? Nếu như thời điểm đó (và sau vài ngày) việc làm giá được giải thích bởi các cửa hàng phải gánh chi phí không nhỏ khi “xách tay” những chiếc iPhone 5s từ thị trường nước ngoài xa xôi thi câu chuyện mà chúng tôi sắp kể ở đây sẽ thật khó mà chấp nhận.

Phóng viên trong khi thu thập tin tức về thị trường iPhone 5s chính hãng đã gặp được anh Nguyễn Văn Toàn tại điểm giao dịch của Vinaphone trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Khi được hỏi về quá trình mua chiếc iPhone 5s mà anh đang cầm trên tay, anh Toàn hồ hởi trả lời:

“Tôi đã đến đây từ 5h30 sáng những mong được ưu tiên vào đặt mua sớm. Nhưng phải đến hơn 8 giờ chi nhánh mới mở cửa làm việc và lúc đó tôi mới được vào. Cũng may là cuối cùng đã mua được đúng chiếc điện thoại yêu thích”.

Lấy làm lạ vì vừa nhận được thông tin điểm giao dịch của Vinaphone ở đây đã “cháy hàng” iPhone 5s mà nhân vật của chúng ta vẫn “may mắn” mua được, phóng viên hỏi tiếp: “Anh có thể nói rõ hơn về cách thức tiến hành và thủ tục đặt mua không? Vì theo em được biết thì tại đây đã hết hàng tư hôm qua”.

Anh Toàn nhanh nhảu đáp: “Thế mới gọi là may! Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó đấy chú ạ” 

Khi được hỏi về giá mua của chiếc iPhone 5s phiên bản xám anh đang cầm, anh Toàn tiếp lời: “Giá của em này là 16,5 triệu, nhưng tôi không dùng gói cước 400 nghìn hàng tháng”

Rõ ràng mức giá này không phải của nhà mạng đưa ra vì theo bảng giá của Vinaphone cho khách hàng thì với giá bán 16,5 triệu cho bản iPhone 5s 16GB, khách hàng sẽ chỉ thuộc diện sử dụng gói cước trả trước và được nhà mạng hỗ trợ 40.000 đồng/ tháng trong 10 tháng liên tục. 

Nhận thấy sự khác lạ trong giá tiền và cách mua hàng của anh Toàn, phóng viên đã gặng hỏi và biết được toàn bộ câu chuyện: “Tôi có đăng ký mua nhưng họ bảo hết hàng, phải đợi check ở các chi nhánh khác. Lát sau thì có một nhân viên nói bên chi nhánh số 5 Láng Hạ hiện đang còn đúng 1 chiếc 5s bản màu xám, 16GB, nếu tôi đồng ý mua thì họ sẽ chuyển sang”.

“Khi tôi đồng ý thì nhân viên này cho biết thêm là vì đây là chiếc được mua bởi nhân viên bên đấy (nhân viên Vinaphone số 5 Láng Hạ - pv) nên nếu tôi mua lại sẽ không được hưởng gói cước của nhà mạng, gói đấy sẽ do người khác dùng. Cậu ta còn nói nhỏ là chỉ cần tôi bồi dưỡng 200.000 đồng sẽ được giải quyết nhận máy sớm”.

Điều khó hiểu là sau đó người viết đã giả làm khách hàng, vào hỏi mua thì được nhân viên trên cho biết cơ sở bên kia (Láng Hạ) vẫn “còn đúng 1 chiếc” iPhone 5s 16GB. Lạ lùng, vì “chiếc duy nhất” vừa được bán cho anh Toàn đấy thôi.

Như vậy, để tóm tắt lại câu chuyện, chúng ta có thể hình dung như sau:

- Khách đến mua iPhone 5s nhưng điểm bán đã hết

- Khách được nhân viên tư vấn mua ở một điểm bán khác

- Giá bán vẫn như của Vinaphone đưa ra nhưng người mua không được hưởng gói cước hỗ trợ của nhà mạng

- Người mua mất thêm 1 khoản “bồi dưỡng” để được nhận máy.

- Chiêu bài “còn đúng 1 chiếc” được sử dụng để kích thích ham muốn mua nhanh, bằng lòng với “yêu sách” của người bán. 

Có thể  nhiều phần trong câu chuyện chưa được kiểm chứng nhưng rõ ràng nếu có thực, thì cách bán hàng của các nhà mạng mà tiêu biểu là một số nhân viên có tư tưởng “vụ lợi cá nhân” đang góp phần làm khổ người dùng chân chính. "Cơn sốt" iPhone 5s chính hãng có lẽ vẫn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới và những hành động “găm hàng, làm giá” cần được phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời.

Theo GENK

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang