Lại thêm một tác dụng phụ đáng sợ khi dùng viên giảm đau opioid sai cách

authorThu Hường 05:30 18/07/2018

(VietQ.vn) - Bên cạnh tác dụng kiểm soát cơn đau nhanh chóng, những người thường xuyên sử dụng những viên thuốc giảm đau nhóm Opioid sẽ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Một trong những tác hại xấu nhất là ảnh hưởng đến xương.

Opioid là thành phần sử dụng phổ biến trong nhiều loại thuốc giảm đau và được ưa chuộng trên thị trường do tác dụng kiểm soát cơn đau nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm thuốc opioid trong một thời gian dài cần phải hết sức thận trọng bởi opioid được xếp vào nhóm thuốc dễ gây nghiện và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Một nghiên cứu mới đây tại Mỹ do nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Robert Zura, Giáo sư và Chủ tịch Hội Phẫu thuật chỉnh hình tại Trường đại học New Orleans, Hoa Kỳ cho thấy, sử dụng opioid không chỉ làm tăng nguy cơ gãy xương, mà còn giảm sự hồi phục các thương tổn xương của người bệnh.

Người bệnh đang tự 'rước họa' khi dùng viên giảm đau opioid. Ảnh: Báo Giao thông 

Các nhà khoa học đã nghiên cứu trên 309.330 bệnh nhân bị 18 loại gãy xương phổ biến nhất, cũng như quá trình sử dụng thuốc của họ, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu, thuốc trị đái tháo đường, thuốc trị loãng xương, thuốc tim, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế miễn dịch, steroid, thuốc chống co giật và thuốc giảm đau không opioid...

Họ phát hiện ra rằng trong số các loại thuốc nêu trên thì việc sử dụng thuốc giảm đau có chứa opioid làm tăng đáng kể nguy cơ gãy xương và tình trạng khó hồi phục sau gãy xương ở mọi lứa tuổi và cả hai giới tính. Một số loại thuốc có chứa opioid nhóm II tạo ra nguy cơ đáng kể, bao gồm acetaminophen/oxycodone, hydromorphone, acetaminophen/hydrocodone, oxycodone và meperidine. Ngoài ra, các thuốc opioid nhóm III và nhóm V như: tramadol, naloxone, pentazocine cũng làm gia tăng nguy cơ gãy xương ở người sử dụng.

Sử dụng thuốc giảm đau, một người đàn ông bất ngờ biến thành “gay”(VietQ.vn) - Một người đàn ông cảnh báo rằng anh biến thành gay sau khi sử dụng thuốc giảm đau.

Một con số gây chú ý là, sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi đã dẫn đến hệ quả 103.000 trường hợp nhập viện và 16.500 trường hợp tử vong (nghiên cứu thực hiện năm 2005).

Cơ chế tác động của opioid như sau: Khi vào cơ thể, thuốc opioid sẽ liên kết với các thụ thể opioid tập trung nhiều ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại biên và đường tiêu hóa… Tác động giảm đau của thuốc opioid là làm giảm phản ứng đau của cơ thể do giảm truyền các tín hiệu đau đến não và tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể.

Việc sử dụng thuốc opioid trong thời gian ngắn với liều lượng chính xác theo chỉ định của thầy thuốc là rất an toàn, tuy nhiên, khi sử dụng thuốc opioid trong một thời gian dài, có thể gây ra các nguy cơ sau:

Nguy cơ dung nạp thuốc (drug tolerance):

Nguy cơ dung nạp thuốc xảy ra khi liều đáp ứng điều trị ban đầu của thuốc opioid, mất dần tác dụng theo thời gian. Muốn đạt hiệu quả điều trị, cần phải tăng liều dùng thuốc opioid.

Nguy cơ lệ thuộc thuốc (drug dependence):

Nguy cơ lệ thuộc thuốc xảy ra khi sử dụng thuốc opioid trong một thời gian dài, cơ thể dần thay đổi và lệ thuộc vào thuốc. Khi ngưng sử dụng thuốc, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng “cai thuốc” như run rẩy, nôn ói, tiêu chảy, mất ngủ, trầm cảm…

Để phòng tránh nguy cơ lệ thuộc thuốc, các thầy thuốc sẽ thay thế bằng một loại thuốc giảm đau khác và đồng thời giảm dần liều dùng thuốc opioid cho đến khi cơ thể không còn lệ thuộc vào thuốc và các triệu chứng cai thuốc biến mất!

Nguy cơ nghiện thuốc (Addiction):

Thuốc opioid mang lại ảo giác khoái cảm cho người sử dụng. Khi lạm dụng thuốc opioid trong một thời gian dài để tìm ảo giác khoái cảm, sẽ đưa đến nguy cơ nghiện thuốc!

 Hạnh Vũ 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang