Fast food Việt Nam "người tí hon" trong cuộc chiến lớn

author 15:05 16/05/2014

(VietQ.vn) - Fast food Việt Nam liệu có cơ hội nào trong cuộc chiến fast food đang ngày càng sôi động và khốc liệt khi hơn 70% thị phần trong nước thuộc về các “tay đua” nước ngoài như KFC, Lotteria, Al Fresco, Pizza Hut, Buger King…?

Fast food Việt Nam và những điểm yếu chết người

Điểm chung của các ông lớn fast food là tiềm lực tài chính hùng hậu. Ví dụ, KFC phải mất tới 7 năm kinh doanh thua lỗ tại Việt Nam rồi mới trụ vững. Nhưng sự thật là hiếm có doanh nghiệp (DN) nào trong nước có thể chịu lỗ suốt 7 năm ròng.

Yếu tố tiên quyết để một chuỗi quán thức ăn nhanh có thể nhân rộng nằm ở khâu quản trị, xây dựng quy trình sản phẩm và đào tạo kỉ luật nhân viên. Đáng tiếc đây lại là nhược điểm chung của nhiều DN trong nước. Chẳng hạn, nếu hương vị bánh burger của McDonald’s là hoàn toàn giống nhau dù ở Mĩ, châu Âu hay Việt nam thì Phở 24 đã không thể duy trì chất lượng bát phở sau khi mở rộng kinh doanh.

Yếu tố thứ ba chính là sức hút thương hiệu. Rõ ràng, KFC, Mc Donald’s, Starbucks... đều là những cái tên có sức hút lớn với người tiêu dùng cũng như truyền thông so với các thương hiệu thức ăn nhanh Việt. Trong khi những cái tên như Bánh mì Tuấn Mập, Cháo bà Hoa Béo, Bánh cuốn Cô Loan, Xôi Yến...  rất khó có thể vươn ra tầm quốc tế. 

Fast food Việt Nam tại thị trường

Bốn là tâm lý người tiêu dùng Việt. Không thể phủ nhận rằng nhiều người tiêu dùng Việt Nam còn rất sính ngoại. Đây là một trong những lợi thế của các DN nước ngoài khi biết đánh vào tâm lý đó.

Cuối cùng chính là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự thật là người tiêu dùng Việt Nam còn rất e ngại về chất lượng của các sản phẩm nội địa.

Fast food Việt Nam vẫn còn cơ hội 

Việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của các thương hiệu ngoại khiến giá sản phẩm bị đẩy lên cao. Đây là cơ hội cho DN Việt khi phân khúc thị trường còn rất nhiều đối tượng khách hàng có thu nhập thấp. Ngoài ra, dù nhanh chóng, tiện lợi nhưng fast food cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh béo phì. Ngược lại, món ăn Việt thường được chế biến từ gạo, vì thế chỉ số đường huyết thấp hơn bột mì. Trong cách chế biến món ăn chúng ta thường hấp, luộc nên lượng chất béo ít hơn. Thức ăn Việt ăn kèm các loại rau tươi sống cũng bổ sung thêm chất khoáng và vitamin hoàn chỉnh. 

Ngoài ra, thương hiệu Việt còn được truyền thông ủng hộ. Nhiều doanh nghiệp thức ăn nhanh Việt trước đây lúc ra đời đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của truyền thông, từ đó có được cảm tình lớn của người tiêu dùng như Phở 24, cơm kẹp VietMac...

fast food Việt Nam phở 24

Sẽ rất khó để một thương hiệu Việt có chỗ đứng trên thị trường fast food trong nước, nhất là khi McDonald’s – đại gia số 1 trong ngành fast food đã bước chân vào cuộc chiến và các DN Việt vẫn đang “đi từ từ”. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu DN trong nước có thể tận dụng triệt để các cơ hội và vượt qua khó khăn để chiếm được một phần của miếng bánh thị phần đang ngày một phình to hay không?

Minh Thùy (th)


 


 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang