Người tiêu dùng có thể kiện khi mua phải hàng giả

author 08:34 09/08/2013

(VietQ.vn) – Đó là khẳng định của luật sư Phạm Thành Long – Giám đốc Công ty luật TNHH Gia Phạm với PV Chất lượng Việt Nam xung quanh câu chuyện nhập nhèm nguồn gốc hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay.

Luật sư Phạm Thành Long
Luật sư Phạm Thành Long

- Thưa luật sư, hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ những quy định gì? Với danh nghĩa là công ty phân phối độc quyền nhưng lại bán hàng giả mạo xuất xứ, không chính ngạch như vậy vi phạm vào điều khoản gì?

LS. Phạm Thành Long: Pháp luật hiện hành quy định buộc các hàng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam trước khi lưu thông trên thị trường phải tiến hành thực hiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng; có nhãn tiếng Việt; có hồ sơ nhập khẩu, có nộp thuế nhập khẩu theo quy định của Việt Nam.

Cụ thể: Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định: “Hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.”

Để hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng quy định tại Điều 36 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường được quy định tại Điều 38 của Luật này.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vi phạm các quy định đã nêu trên, không đăng ký hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký chất lượng hàng hóa, thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, nội dung vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Lưu ý, Chính phủ mới ban hành Nghị định số Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 để thay thế Nghị định số 54/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, mức phạt đối với các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa nêu trên có thể tăng từ 1,5 đến 2 lần so với mức phạt hiện tại.

Tôi xin nhấn mạnh, khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, theo quy trình chung, doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan. Hàng hóa phải có hồ sơ nhập khẩu, có nộp thuế nhập khẩu theo quy định của Việt Nam.

Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, theo quy định tại Nghị định 06/2008/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại đã nêu rõ về hành vi và mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng giả, tùy theo mức độ vi phạm mà mức phạt có thể khác nhau từ 300 nghìn đồng đến 30 triệu đồng. Thậm chí, Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với một trong các trường hợp sản xuất, chế biến, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng giả…

- Đối với hàng hóa nhập khẩu, việc ghi nhãn hàng hóa được quy định thế nào? Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt ra sao?

LS.Phạm Thành Long: Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì: “Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xác định như sau:

Mức phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi tùy mức độ vi phạm mà xử phạt từ mức cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy mức độ vi phạm. Mức phạt từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

- Hiện nay sản phẩm hàng hóa bán online chưa được quản lý, tạo kẽ hở cho bán hàng giả, kém chất lượng, trách nhiệm này thuộc về ai?

LS.Phạm Thành Long: Việc quản lý sản phẩm hàng hóa online nói riêng và hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) nói chung trong thời gian trước chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng lợi dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử để lừa đảo, bán hàng gian dối gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Để khắc phục và giải quyết thực trạng trên, ngày 16/5/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về các hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, với mục tiêu thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để TMĐT phát triển. Theo quy định tại Nghị đình này thì Chính phủ giao trách nhiệm quản lý hoạt động thương mại điện tử cho Bộ Công Thương.

- Trong trường hợp người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm hàng hóa gặp sự cố về sức khỏe có kiện được không?

LS.Phạm Thành Long: Theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân, gia đình, người bị thiệt hại về sức khỏe khi sử dụng hàng hóa kém chất lượng, hàng giả trước tiên có thể trực tiếp khiếu nại với người cung cấp sản phẩm, hàng hóa đó về chất lượng sản phẩm,hàng hóa; yêu cầu nhà cung cấp buộc thu hồi lại hàng hóa, trả lại tiền và bồi thường các chi phí, thiệt hại mà người tiêu dùng đã phải chịu khi sử dụng hàng hóa kém chất lượng theo quy định tại các Điều 22, 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong trường hợp việc thương lượng không thành, người tiêu dùng có thể nhờ Bên thứ 3 làm trung gian hòa giải hoặc khởi kiện vụ án dân sự về đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: Việc khiếu nại với nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa không phải là điều kiện tiên quyết để tiến hành khởi kiện vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại; người tiêu dùng có thể ngay lập tức khởi kiện khi có đủ chứng cứ về việc vi phạm của sản phẩm, hàng hóa và thiệt hại xảy ra.

Để thực hiện khởi kiện bảo vệ quyền lợi của mình, bản thân người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi được yêu cầu có thể khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự và các Điều 41, 42, 43 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Còn nữa)

Xin cảm ơn luật sư!

Thanh Uyên (thực hiện)
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang