'Người rừng' tự chữa khỏi ung thư phổi bằng kỳ hoa dị thảo Hoàng Liên Sơn

author 19:00 03/06/2016

(VietQ.vn) - Từ độ cao 2.500 mét, ông Lâm đã phát hiện ra nhiều cây thuốc quý giống những cây thuốc trên dãy Hy mã lạp sơn từng giúp ông đẩy lùi ung thư phổi.

>> Kỳ 1: Có một bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ?

>> Kỳ 2: Kỳ lạ anh chàng người Nhật uống trà cổ thụ, múa kiếm gỗ ở độ cao 2.200 mét

Không chỉ có những bãi đá cổ với những hoa văn kỳ bí, không chỉ ngút ngàn với rừng chè cổ thụ nghìn năm tuổi, đại ngàn Hoàng Liên Sơn còn ẩn giấu biết bao loài kỳ hoa dị thảo quý hiếm, trong đó có những thảo dược mở ra hy vọng khống chế được căn bệnh ung thư đang gieo rắc nỗi kinh hoàng cho toàn nhân loại.

Chữa bệnh trên núi cao

Trước khi phát hiện ra căn bệnh quái ác ung thư phổi năm 1989, ông Trần Ngọc Lâm là một người vô cùng khỏe mạnh, đã từng vào sinh ra tử nhiều lần ở chiến trường B. Bệnh tật hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình lúc đấy rất khó khăn, ông Lâm quyết định theo một người bạn sang biên giới Trung Quốc tận dụng chút sức lực cuối cùng làm nghề bốc vác máy móc cũ, sửa ô tô để kiếm tiền gửi về cho vợ con.

Được sự giúp đỡ của một người bạn Trung Quốc tên là Vàng Lù Pao, ông Lâm chuyển sang làm thợ sửa chữa cho đoàn xe siêu trường, siêu trọng chuyên chở hàng trên con đường xuyên Á, từ Trung Quốc lên Tây Tạng, rẽ qua các nước Trung Đông và Châu Âu rồi lại lấy hàng từ những nước đó chở về.

Ông Trần Ngọc Lâm cởi trần ngồi thiền trong cái lạnh âm độ trên đỉnh Phan xi păng  

Cuối năm 1993, trong một lần đoàn xe nghỉ lại ở La Tư, một thị trấn nhỏ nhưng rất đẹp nằm trên sườn núi Hymalaya, gần biên giới Nepan, ông Lâm đã vô tình gặp được một vị thiền sư Tây Tạng ngồi khất thực trên đường phố. Vị sư gầy hóp ngồi bất động trong chiếc áo cà sa màu vàng thêu kim tuyến rộng thùng thình, bên phải có chiếc vòng luân xa quay quay, bên trái có đống gạch cao nghệu và trước mặt là chiếc chậu bằng đất nung có mấy đồng tiền mệnh giá nhỏ.

Ông Lâm dốc túi bỏ cả mấy chục tệ vào trong chiếc chậu đất, thế nhưng vị sư lại chậm rãi nhặt tiền bỏ ra ngoài rồi chỉ vào đống gạch và đầu mình. Chỉ đến khi ông Lâm cầm viên gạch đập vỡ tan trên đầu vị sư theo yêu cầu thì vị sư mới vui vẻ nhận tiền của người khách lạ. Vị sư nói thêm với ông Lâm một câu làm ông choáng váng: "Vì lòng từ tâm của thí chủ nên tôi báo cho thí chủ biết là thí chủ sắp chết. Bệnh của thí chủ không thể chữa khỏi được nhưng nếu theo tôi chữa trị sẽ sống được lâu hơn".

Nghĩ đến vùng đất Tây Tạng huyền bí và khả năng kỳ lạ của vị sư, ông Lâm xin Vàng Lù Pao cho nghỉ phép đi theo vị sư một thời gian để chữa bệnh. Pao hẹn 4 tháng sau có chuyến xe sang sẽ đón ông Lâm tại thị trấn này.

Từ biệt người bạn tốt Vàng Lù Pao, ông Trần Ngọc Lâm gói ghém vài bộ quần áo rồi theo vị thiền sư leo lên dãy núi Hymalaya. Con đường mòn lên núi dốc ngược và mảnh mai như sợi chỉ bò dọc theo vách đá. Đi bộ đến ngày thứ 3 thì ông Lâm và vị thiền sư đến một cái hang đá rất lớn trên sườn núi. Trong hang, các nhà sư ngồi tu thiền và bệnh nhân nằm la liệt. Ông Lâm chỉ biết tiếng Quan Hỏa nên không thể giao tiếp với các thiền sư được.

May sao trong số bệnh nhân đang chữa trị có một giáo sư chuyên ngành ngôn ngữ của Trung Quốc bị ung thư tiền liệt tuyến tiền di căn tên là Lỉ Coỏng biết tiếng Phạn nên thông ngôn giúp ông. Qua Lỉ Coỏng, ông Lâm được biết vị thiền sư dắt ông lên núi có pháp danh là Uy - ri - ang - kha - da. Hàng ngày, các vị sư hướng dẫn các bệnh nhân cách tu thiền, luyện khí công, niệm Phật và cho uống thảo dược được hái về trên núi đá.

Hái lá thuốc trên độ cao 2.500 mét của đỉnh Hoàng Liên Sơn 

Theo chân thiền sư, ông Lâm đã được chứng kiến rất nhiều loại kỳ hoa dị thảo với những tính năng đặc biệt, thế nhưng ông chỉ thực sự chú tâm tới những cây thuốc có thể chữa căn bệnh ung thư của mình. Nhưng cây thuốc này chỉ sống ở những đỉnh núi với độ cao hàng ngàn mét và nhiệt độ âm hàn lạnh giá. Ăn kham khổ, uống thuốc đắng, đi cõng nước và hái thuốc vất vả là vậy nhưng ông Lâm đã tăng cân nhanh chóng đến ngưỡng 52 kg và sức khỏe hồi phục gần như thời còn trong quân ngũ.

Sau 4 tháng ở trên núi chữa bệnh với các thiền sư, cái hẹn với Vàng Lù Pao cũng đã đến, ông Lâm gạt nước mắt từ biệt các thiền sư xuống núi. Ông Lâm biết rằng rời ngọn núi cao này thì mình sẽ chết vì căn bệnh ung thư quái ác nhưng nếu sống mãi trên ngọn núi này thì cuộc đời cũng chẳng còn gì ý nghĩa. Quý ông, vị thiền sư cho ông một bao tải thuốc mang về. Nhờ có bao tải thuốc của thiền sư cho mà ông sống khỏe và làm việc quần quật suốt vài năm nữa.

Năm 1998, gom góp được một số vốn, ông Lâm xin Vàng Lù Pao cho nghỉ việc về Lào Cai lập nghiệp để được gần vợ gần con. Vẫn giữ nghề cũ, ông Lâm và người em trai mở một xưởng sửa chữa ô tô khá lớn ở Lào Cai. Đang ăn nên làm ra thì cuối năm đó thuốc hết, căn bệnh ung thư quái ác lại tung hoành trong cơ thể ông. Sụt cân nhanh chóng và ho ra máu, ông Lâm giao lại xưởng ô tô cho em trai, đeo chiếc ba lô cũ tìm đường lên đỉnh Phan xi păng để kiếm chỗ chết cho mình.

Phát hiện thảo dược quý Hoàng Liên Sơn

Với cơ thể chỉ còn hơn 40kg, ông Lâm cứ bò lê từng bước một tìm đường lên đỉnh Phan Xi Păng. Ngày đó đại ngàn Hoàng Liên Sơn còn rất nguyên sơ, gần như không có dấu chân người, đường leo Phan vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Suốt 4 ngày 4 đêm nhai lương khô, uống nước trắng, ngủ trong áo mưa, cuối cùng ông Lâm cũng đến được độ cao 2.800 mét, chỉ còn cách "nóc nhà Đông Dương" hơn 300 mét. Khác với khuôn mặt đau khổ và tuyệt vọng khi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm cái chết, nén cơn đau ẩm ỉ trong lồng ngực, ông Lâm sung sướng hét to giữa miên man mây núi: "Sống rồi!".

 Một mình tìm dược liệu quý giữa rừng sâu

Từ độ cao 2.500 mét trở lên, ông Lâm đã vô tình phát hiện ra rất nhiều cây thuốc quý giống với những cây thuốc ông đã từng gặp trên dãy Hy mã lạp sơn. Bị cơn đau hành hạ, liều mình, thấy cây nào na ná cây thuốc là ông nhổ lên nhai cả thân, rễ, lá… Ngờ đâu, chỉ vài giờ sau là cơn đau giảm đi, ông thấy sức khỏe tốt lên nhiều nên mới trèo lên được độ cao 2.800 mét.

Để tránh cái lạnh buốt giá của núi rừng Hoàng Liên, ông Lâm tìm một cái hang nho nhỏ nhưng kín gió rồi lợp thêm lớp mái che mưa. Từ đó, ngày nào ông cũng cởi trần ngồi vắt chéo chân, đặt 2 tay lên đầu gối, tập hít thở ở ngoài cửa hang trong cái lạnh âm độ để khắc chế không cho khối u phát triển. Sau một tuần, sức khỏe tốt hơn, ông bắt đầu đi lang thang khám phá núi rừng xung quanh để tìm cây thuốc. Suốt 3 năm trời sống trên độ cao này, ông Lâm đã tìm ra được 7 cây thuốc quý để chữa căn bệnh ung thư mà ông từng thấy bên Tây Tạng. Để bảo tồn được những giống cây quý giá này, ông Lâm đã trồng ra một số nơi bí mật khác tránh trường hợp những cây thuốc bị con người tàn phá. Đến nay, đã 20 năm ông Lâm sống chung khỏe mạnh với khối u ác tính trong cơ thể.

Củ sâm 800 tuổi độc nhất vô nhị

Trong một lần bám theo những vách đá của những ngọn núi khổng lồ trên độ cao 2.900 mét đi về phía Lai Châu tìm thuốc, ông Lâm đã đặt chân lên một cánh rừng hoang vu chưa hề có dấu chân người. Thấy ông, đàn khỉ nhảy rào rào trên ngọn cây và ngắm ngía ông như sinh vật lạ. Sau 3 ngày 3 đêm lầm lũi đi trong rừng, ông Lâm gặp một giống cây lạ, thân trông như củ, củ giống như thân, nhìn kỹ thấy rất quen.

Ngẫm ngợi một lúc, ông nhớ ra đây là giống sâm mọc ở vùng núi Tây Tạng, trên độ cao 4.000 - 5.000 m mà vị thiền sư chữa bệnh đã một lần chỉ cho ông. Người Tây Tạng gọi đó là sâm Hymalaya. Loài sâm này mỗi năm một lần rụng lá và mọc thêm một đốt, dài bằng đốt ngón tay. Mỗi năm nó chỉ ra 3 - 4 lá và mỗi lá có 7 thùy. Củ sâm mọc ngẩng lên trời, nhưng được vài năm, thân nặng quá, lại gục xuống, rồi bị mùn lá phủ lên che kín, thành thử phần thân nó chìm trong đất đá từ nhiều trăm năm trước.

 Ông Lâm và bình rượu sâm độc nhất vô nhị

Ông Lâm cẩn thận đào củ sâm. Sau một giờ đồng hồ miệt mài đào bới, ông Lâm đã nhấc được củ sâm lên khỏi mặt đất. Phần thân củ sâm nằm dưới lòng đất có màu vàng nhạt và phần đuôi của nó có hình người, giống như một củ sâm bình thường khác. Phần thân củ sâm dài quá sải tay, to bằng cổ tay, mỗi đốt dài 1 - 2 cm, phần củ bằng bắp chân.

Ông Lâm tỉ mẩn ngồi đếm được tới 800 đốt. Như vậy, tuổi đời củ sâm này đã vắt qua 8 thế kỷ. Ước chừng, củ sâm nặng tới 10kg. Chỉ có chiếc ba lô để đựng quần áo, túi ngủ, thức ăn, không có cách nào nhét nổi củ sâm dài thòng lõng đó, nên ông Lâm đành bẻ củ sâm thành từng khúc nhỏ, nhét hết vào các ngóc ngách của ba lô. Về nhà, ông phân phát cho làng xóm, bạn bè mỗi người vài khúc đem về ngâm rượu uống chơi để tăng cường sức khỏe. Số còn lại, ông đem phơi khô rồi tống hết vào chiếc bình, đổ rượu mạnh vào ngâm. Bạn bè, làng xóm đến nhà, ông đều bê bình rượu đặc biệt này ra thết đãi.

 Một đốt sâm 800 năm tuổi

Tiếng lành đồn xa, ít ngày sau, GS Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược) từ Hà Nội đã bắt tàu lên tận nhà ông Lâm để tận mắt chiêm ngưỡng củ sâm khổng lồ. Nhìn củ sâm, GS Kỳ đã khẳng định ngay nó là thiết trúc nhân sâm. Loài sâm này tốt ngang ngửa với sâm Ngọc Linh, mà sâm Ngọc Linh thì tốt không kém gì sâm Hàn Quốc, Triều Tiên. Tuy nhiên, với 800 năm tuổi, “cụ sâm” này không thể định giá nổi, bởi vì không thể kiếm đâu ra củ sâm ở Hàn Quốc, Triều Tiên và Ngọc Linh có tuổi thọ như vậy nữa.

Sau khi các nhà khoa học thẩm định giá trị khủng khiếp của “cụ” thiết trúc nhân sâm mọc trong rừng Hoàng Liên Sơn, ông Lâm đã bỏ nhiều ngày để tiếp tục tìm kiếm. Tuy nhiên, sau hàng chục lần luồn rừng kéo dài suốt mấy tháng trời, ông Lâm không tìm được bất cứ một củ sâm nào khác cứ như thể củ sâm ông tình cờ tìm được là thứ… trên trời rơi xuống. Có lẽ cũng vì thế mà đại ngàn Hoàng Liên Sơn vẫn còn ẩn chứa được hàng vạn điều bí ẩn, đủ để làm say đắm tất cả những ai từng một lần đặt chân đến nơi xứ sở sương mù.

>> Kỳ 1: Có một bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ?

>> Kỳ 2: Kỳ lạ anh chàng người Nhật uống trà cổ thụ, múa kiếm gỗ ở độ cao 2.200 mét

Vì sao dân mạng nổi sóng khi MC Phan Anh bị 'truy hỏi' về động cơ chia sẻ clip cá chết?(VietQ.vn) - '60 phút mở' do nhà báo Tạ Bích Loan dẫn chương trình xoay quanh việc MC Phan Anh chia sẻ clip cá chết ở Vũng Áng đang gây tranh cãi dữ dội trên MXH.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang