Không chỉ trẻ em vùng mỏ mà ở thành phố cũng có thể nhiễm độc chì cao

author 06:33 14/02/2017

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, không chỉ có trẻ em sống ở vùng mỏ, nhà máy mà ngay cả trẻ em sống ở thành phố cũng có khả năng nhiễm độc chì cao.

Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ ông Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, viện thực hiện đề tài cấp nhà nước về thực trạng nhiễm độc chì ở trẻ em Việt Nam và hiệu quả một số biện pháp can thiệp.

Qua khảo sát tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (gần mỏ chì Làng Hích), có 109/209 trẻ em 3-14 tuổi có hàm lượng chì máu cao hơn 10 mcg/dl, trong đó có 105 cháu chì máu ở mức 10-44 mcg/dl, tương đương mức nhiễm độc chì nhẹ, 4 cháu hàm lượng chì máu mức trên 45 mcg/dl, tức nhiễm độc mức trung bình.

Trẻ em nhiễm độc chì từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh minh họa

Trẻ em nhiễm độc chì từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh minh họa 

Tại phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên - nơi có hoạt động sản xuất kim loại màu, luyện thép, nhóm nghiên cứu cho hay 78/180 trẻ em 3-14 tuổi có chì máu cao hơn 10 mcg/dl, trong số này có 66 em ở mức nhiễm độc chì nhẹ, 12 em nhiễm độc chì mức trung bình. Xét nghiệm chì trong môi trường cho thấy có 3/30 mẫu nước, 12/30 mẫu đất và 2/10 mẫu thực phẩm được kiểm tra có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép.

Ông Lỗ Văn Tùng, thư ký đề tài này, cho biết nguyên nhân ô nhiễm chì có thể từ đất, nước, không khí hay những sản phẩm trẻ em hay dùng bị ô nhiễm chì.

Cũng theo ông Tùng, trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã đến khảo sát về hàm lượng chì trong loại sơn tường sử dụng ở hai trường mầm non và các đồ chơi được dùng tại hai trường này. Kết quả cho thấy loại sơn được chọn tương đối an toàn, nhưng một số đồ chơi được sử dụng có chì ở ngưỡng thấp.

Do nguy cơ ô nhiễm chì đến từ nhiều nguồn, ngoài nguy cơ từ đồ chơi, sơn tường còn có thuốc cam (rất hay được sử dụng để trị chứng biếng ăn và tưa lưỡi cho trẻ em) nên không chỉ trẻ em sống ở khu vực làng nghề, mỏ chì hay khu vực luyện kim bị ô nhiễm chì bị nhiễm, mà trẻ ở thành phố cũng dễ bị.

Tin cảnh báo: Dùng điện thoại phải biết điều này nếu không muốn khóc thét vì mất tiền oan(VietQ.vn) - Tin cảnh báo: Dùng điện thoại phải biết điều này nếu không muốn khóc thét vì mất tiền oan; Cảnh báo hóa chất độc hại trong bao bì thức ăn nhanh; Rượu vang đỏ làm tăng nguy cơ ung thư là những tin cảnh báo nổi bật nhất trong ngày.

Nhận biết nhiễm độc chì

Nói tới tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ, Zing News cũng dẫn thông tin từ một số chuyên gia cho biết, nếu chì gây ngộ độc rõ ràng ở trẻ, chúng sẽ gặp các triệu chứng như hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật), 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn. Ngoài ra, trẻ bị đau bụng, chán ăn, thiếu máu.

Trẻ nhiễm độc chì sẽ có biểu hiện co giật, chậm phát triển tinh thần. Ảnh minh họa

Trẻ nhiễm độc chì sẽ có biểu hiện co giật, chậm phát triển tinh thần. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bác sĩ cho hay đa số trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng và xét nghiệm. Đây là một điều đáng lo ngại vì chì ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Khi bị ngộ độc mạn tính, người bệnh sẽ có biểu hiện ở nhiều cơ quan với nồng độ chì trong máu khác nhau song thường chỉ được phát hiện khi xét nghiệm và khám chuyên khoa.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, khi chúng ta có bất kỳ tiếp xúc nào với các nguồn chì nêu trên và nghi ngờ bị ngộ độc thì cần đi khám tại các cơ sở y tế. Người bệnh sẽ được khám và có thể làm các xét nghiệm cần thiết. Trong đó, xét nghiệm chì máu (lấy máu tĩnh mạch) là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán xác định bị ngộ độc chì hay không.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang