Nhà mạng "lén" tăng cước 3G

author 07:14 02/10/2013

Nhà mạng cho biết phải tăng cước gấp đôi mới đảm bảo nguồn thu và các chi phí.

Mặc dù vậy, cơ quan quản lý lại yêu cầu thực hiện theo lộ trình, tránh gây xáo trộn cho thuê bao. Các doanh nghiệp viễn thông cho biết đã trình phương án tăng cước đối với dịch vụ 3G lên Bộ Thông tin và Truyền thông để chờ xét duyệt.

3G toc do cham

TP. Hà Nội nên phủ sóng wifi như TP. Hồ Chí Minh để phục vụ lợi ích cộng đồng. Ảnh minh họa

"Bây giờ chỉ đợi quyết định của Bộ xem có cần điều chỉnh hay không", một nhà mạng cho hay. Đại diện một đơn vị cho biết: "Giá và lộ trình thực hiện ra sao đến nay vẫn chưa có phương án chỉ đạo cuối cùng. Chúng tôi từng nộp đề xuất một lần nhưng Bộ yêu cầu chỉnh sửa và trình lại".

Theo doanh nghiệp, hiện nay dịch vụ 2G đang phải bù lỗ cho 3G và Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia có cước rẻ nhất thế giới.

Trước đó, Viettel cũng quyết định  đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng giá cước 3G. Khi đó ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel, cho rằng do sự bùng nổ của các dòng điện thoại thông minh, hạ tầng công nghệ tốt nên thuê bao sử dụng dịch vụ Internet trên nền di động tương đối phổ biến.

Hiện số thuê bao sử dụng dịch vụ 3G đang tăng nhanh và trong tương lai gần smartphone chiếm tỷ lớn trên mạng. Tuy nhiên giá cước 3G hiện tại là khá thấp.

Trong khi đó, thời gian đầu, do áp lực cạnh tranh giữa các nhà mạng nên các doanh nghiệp đặt ra giá cước tương đối thấp so với giá thành để mong lấp đầy lưu lượng mạng đã đầu tư.

"Tuy nhiên, đến thời điểm này đã nảy sinh một số bất cập nên Viettel quyết định sẽ đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng giá cước 3G", ông Trung nói.

Ngoài việc cạnh tranh về giá, hiện các nhà mạng cũng đang chết dở với các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí tại Việt Nam như: Line, WhatsApp, KakaoTalk, Zalo, Viber, Wala.

Mang 3G chat luang rua bo

Dù cước phí đòi tăng cao nhưng chất lượng dịch vụ 3G rất kém. Ảnh minh họa

Liên quan đến việc đề xuất tăng giá 3G, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng cho rằng, nhà nước không can thiệp vào quyền định giá của doanh nghiệp mà chỉ quản lý giá cước liên quan đến công ích, giá cước liên quan giữa các doanh nghiệp với nhau. Còn giá ra thị trường căn cứ trên thị trường và do thị trường quyết định.

Thống kê sơ bộ của các nhà mạng cho thấy giá 3G đang bán ra chỉ bằng 35 - 68% giá thành của dịch vụ. Như vậy, để bán đúng giá thì doanh nghiệp phải nâng với mức trung bình là 100%, ngang bằng với các nước thuộc khối ASEAN. Tuy nhiên Cục Viễn thông khẳng định việc này phải thực hiện theo lộ trình chứ không thể tăng đột biến nhằm tránh gây xáo trộn cho khách hàng. Theo đó, các mạng di động sẽ phải rà soát lại gói cước 3G của mình theo tiêu chí vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả, vừa chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Cục cho biết hiện tại vẫn chưa có văn bản quyết định chính thức về việc tăng giá hay tăng bao nhiêu. Đại diện một mạng lớn tiết lộ không phải gói cước 3G nào cũng tăng, thậm chí có gói giảm giá. "Các mạng sẽ có lựa chọn mang tính phổ cập với giá rẻ, chỉ từ 10.000 đồng mỗi tháng cho người mới dùng 3G hoặc thuê bao ở vùng nông thôn, người có nhu cầu sử dụng ít", vị này cho hay.

Hiện Việt Nam có 4 nhà mạng cung cấp dịch vụ kết nối Internet băng rộng qua 3G là Viettel (chiếm 34,73% thị phần), Mobifone (33,19%), Vinaphone (29,71%) và Vietnamobile (2,36%), duy nhất có Gmobile chỉ cung cấp mạng 2G (chiếm 3,93% thị phần dịch vụ), còn S-Fone đến nay xem như không còn hoạt động.

Cả nước có hơn 131 triệu thuê bao di động (tính hết 2012, con số ước tính hiện tại khoảng 140 triệu) nhưng chỉ có 15,7 triệu người dùng 3G có phát sinh cước thường xuyên, mang về doanh thu khoảng 10% toàn dịch vụ di động cho nhà mạng.

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang