Nhận định "vấn nạn" cước viễn thông: hàng hóa áp đặt!

author 10:04 28/12/2013

(VietQ.vn) - Về thông tin các nhà mạng tự ý cài đặt ứng dụng trong sim để "móc túi" khách hàng, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng thu cước viễn thông này là "xâm hại người dùng cả về vật chất lẫn tinh thần".

Mới đây, Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) đưa ra báo cáo phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước trên phạm vi toàn quốc.

Báo cáo cho thấy, sai phạm về dịch vụ nội dung đều xuất hiện tại 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone. Cụ thể, thanh tra Bộ TT-TT đã yêu cầu  các nhà mạng phải hoàn lại tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ.

Đặc biệt, cả 3 “đại gia” viễn thông trên đều duy trì tình trạng tích hợp ứng dụng trên sim cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra.

Rõ ràng nhà mạng đã tự ý cài đặt ứng dụng vào sim để lấy tiền của người dùng. Đây chính là câu trả lời cho nỗi bất bình của các chủ thuê bao lâu nay vẫn thắc mắc khi bị các nhà mạng “móc túi” mà không hề hay biết.

Không chỉ tăng giá cước 3G nhà mạng còn lén lấy tiền khách hàng bằng cách tự động trừ tiền dịch vụ

Nhà mạng thiếu thông tin minh bạch về dịch vụ để cho người tiêu dùng lựa chọn (Ảnh minh họa)

Bình luận về “vấn nạn” này, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng: nhà mạng đang dùng những “kỹ thuật” để moi tiền của người tiêu dùng, chớ trêu thay đây lại là những “ kỹ thuật” mà người tiêu dùng không hề muốn nhận được.

“Nhà mạng lẽ ra phải minh bạch thông tin để người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ chứ không phải nghiễm nhiên cài đặt ứng dụng, người dùng cứ dùng, trừ tiền cứ trừ tiền”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, đây chính là biểu hiện xâm hại, vi phạm quyền lợi của người dùng khi họ không có quyền được lựa chọn, không được thông tin minh bạch từ dịch vụ.  “Cộng thêm việc ép  phải nhận thông tin không mong muốn hay thông tin cá nhân của chủ thuê bao không được bảo mật, có thể nói nhà mạng đang xâm hại người tiêu dùng cả về vật chất lẫn tinh thần”, ông Tuấn nói.

Về phía người tiêu dùng, lâu nay vẫn có  tâm lý “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa” nên dù không được như mong muốn nhưng cũng buộc phải sử dụng. Phó Tổng Thư ký Vinastas, phân tích: dịch vụ viễn thông hiện gần như là hàng hóa áp đặt, vì người tiêu dùng không dùng không được! “Khi đăng ký dùng thuê bao mới, nếu người tiêu dùng không hỏi về những dịch vụ sẵn cài trong sim thì nhà mạng cũng phớt lờ luôn. Chỉ đến khi sử dụng, tài khoản bị trừ tiền, biết là bị móc túi vô lý nhưng lại vì nhỡ đăng ký  rồi thì cứ dùng thôi….”

Theo ông Tuấn, suy cho cùng  để xảy ra “vấn nạn” của cước viễn thông hiện nay chính là  do cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện triệt để vai trò chức năng của mình. “ Quy định đã có song thực hiện ra sao mới là vấn đề. Chuyện nhà mạng ngang nhiên móc túi người tiêu dùng chắc chắn cơ quan quản lý đã biết song lại chưa đưa ra được những chế tài xử lý nghiêm minh, triệt để.Trách nhiệm chính vẫn nằm trên vai cơ quan quản lý”, ông Tuân nói.

Sẽ có quy định tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ viễn thông

Hành động tự ý cài đặt ứng dụng  vào sim cũng chính là một trong những chiêu thức sử dụng công nghệ cao để móc túi người tiêu dùng. Năm 2014 cũng là năm được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Quốc tế chọn chủ đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số. Với chủ đề này, dự kiến Hội sẽ đưa ra những đề xuất kiến nghị về quy định tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ trong thời đại kỹ thuật số, trong đó tập trung vào dịch vụ viễn thông.

 

 Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang