Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ không ảnh hưởng tới môi trường

author 10:05 14/07/2016

(VietQ.vn) - Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được xây dựng với hệ thống cô lập chất phóng xạ không ảnh hưởng tới môi trường.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Thông tin trên được ông Sergey A. Boyarkin, Phó tổng Giám đốc tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga Rostatom đưa ra tại một cuộc hội thảo về Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ông Sergey A. Boyarkin

Ông Sergey A. Boyarkin khẳng định: “Chúng tôi sử dụng thiết kế của các nhà máy điện thế hệ 3 với mức độ an toàn hơn rất nhiều so với thiết kế thế hệ 2. Một trong những ưu thế, đặc điểm quan trọng nhất của thế hệ 3 là khu vực đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố nằm cách nhà máy 800 m. Có nghĩa là khi xảy ra bất kì sự cố nào chất phóng xạ và chất xả thải phóng xạ phải được giữ và cô lập trong phạm vi nhà máy, không vượt qua nhà máy, vì vậy, các nhà máy thế hệ 3 đều đảm bảo an toàn cho dân cư, môi trường ngoài khu vực nhà máy”.

Ông Sergey A. Boyarkin cho biết thêm, thiết kế nhà máy điện hạt nhân của Nga có các rào cản chất phóng xạ được sắp xếp kế tiếp, giống như con búp bê ở nước Nga.

“Có con búp bê to ở ngoài và con búp bê nhỏ ở bên trong, tất cả các chất phóng xạ phát sinh đều nằm trong con búp bê nhỏ nhất ở phía trong, các phóng xạ này là thanh nhiên liệu, thậm chí là các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng nằm trong khu vực đó. Nếu trường hợp con búp bê nhỏ bị phá vỡ thì con búp bê lớn sẽ đảm đương chức năng bảo vệ”, chuyên gia Nga nói.

Sơ đồ một nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài ra, ông Sergey A. Boyarkin cũng cho hay, theo thiết kế, các chương trình hệ thống nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an toàn chủ động và thụ động. Các hệ thống an toàn thụ động hoạt động không cần sự hỗ trợ của điện áp từ bên ngoài, cũng không cần có điện các hệ thống vẫn hoạt động. Còn các hệ thống an toàn thụ động hoạt động theo nguyên lý tự nhiên như nguyên lý trọng lực, nguyên lý trao đổi nhiệt tự nhiên.

Bên cạnh đó, các hệ thống an toàn thụ động vận hành tự động, người vận hành không thể can thiệp vào hoạt động, không thể tắt hay mở các hệ thống đó. Khi nhiệt độ trong lò phản ứng đó đạt đến mức độ nhất định thì các hệ thống đó khởi động.

Trước câu hỏi của báo giới, Nga đã tiến hành công việc đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân Việt Nam như thế nào?

Ông Sergey A. Boyarkin cho biết, phía Nga đã bắt đầu đào tạo nhóm sinh viên Việt Nam đầu tiên tại trường đào tạo thuộc Rosatom. Dần dần trong tiến độ xây dựng số lượng sinh viên Việt Nam được đào tạo sẽ tăng lên.

“Chúng tôi đang xây dựng 3 trung tâm đào tạo cho sinh viên. Bên cạnh đó, tại tất cả nhà máy điện hạt nhân do chúng tôi xây dựng, đều có mô hình trung tâm huấn luyện nhân viên vận hành với kích cỡ thực. Tại mô hình này có phòng chỉ huy vận hành nhà máy, bàn điều khiển, hay nút điều khiển đều như trong điều kiện thật.

Chúng tôi cũng sẽ xây dựng mô hình kích cỡ thực như vậy tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trung tâm đào tạo huấn luyện này sẽ được xây dựng xong và hoạt động trước khi vận hành điện hạt nhân 2 năm. Ngoài đào tạo sinh viên, chúng tôi còn đào tạo giúp cán bộ quản lý thuộc Cục an toàn bức xạ Việt Nam. Hy vọng khi nhà máy hoặt động, Việt Nam có lượng cán bộ vận hành như quy định”, ông Sergey A. Boyarkin tin tưởng.

HOÀNG NGUYÊN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang