Nhật Bản: Những "người hùng Fukushima" bị kỳ thị

author 10:02 06/08/2012

(VietQ.vn) - Thảm họa hạt nhân Fukushima chưa hề nguôi ngoai trong tâm trí người Nhật, thậm chí, hàng trăm công nhân tại nhà máy Fukushima đang bị chính người dân nước này kỳ thị và xa lánh.

Nhóm bác sỹ điều trị cho những anh hùng ứng cứu trong thảm họa kép Fukushima đã có kết luận chính thức về vấn đề này. Theo họ, những người tham gia xử lý thảm họa rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện Fukushima Daiichi đang bị tổn thương tâm lý nặng nề bởi bệnh trầm cảm, họ lo lắng cho tương lai và mất động lực sống. Đáng buồn thay, nguyên nhân lớn nhất của bệnh trầm cảm nặng bởi họ bị sự kỳ thị từ chính đồng bào mình.

Bác sĩ Jun Shigemura, trưởng nhóm bác sỹ điều tri cho biết, các công nhân thường xuyên bị chỉ trích bởi những người dân đã mất nhà do thảm họa hạt nhân. Người dân viết nhiều các dòng chữ đe dọa lên cửa công nhân, đòi những người này phải bỏ lại ngôi nhà và rời đi. Con cái của các công nhân trên cũng bị chế nhạo tại trường học, thậm chí nhiều nơi các chủ nhà trọ không đồng ý cho họ thuê trọ.

Sự việc càng tồi tệ hơn khi một giám đốc thuộc Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) thừa nhận đã yêu cầu chín công nhân nói dối về chỉ số đo lượng phóng xạ bị rò rỉ từ các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Thậm chí ông này còn yêu cầu các công nhân gắn thêm một tấm chì vào các thiết bị đo phóng xạ nhằm làm sai lệch kết quả.

Trẻ em biểu tình phản đối tiếp tục các chương trình hạt nhân ở Nhật Bản
Trẻ em biểu tình phản đối tiếp tục các chương trình hạt nhân ở Nhật Bản

Sau nhiều cuộc điều tra của Ủy ban Điều tra độc lập sự cố hạt nhân Fukushima (thuộc Quốc hội Nhật Bản), sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima được chính thức kết luận do lỗi con người, chứ không chỉ xuất phát từ vụ động đất và sóng thần. Một loạt sai phạm kèm theo sự cẩu thả đã khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima không thể chống chọi trước những trận động đất và sóng thần.

Bác sĩ Jun Shigemura nói: “Những người công nhân đã trở thành mục tiêu lớn nhất để người dân trút giận”. Trước đó, các công nhân của TEPCO đã từng được tôn trọng và khen ngợi nhiều tại vùng Fukushima. Nhưng sau thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ, họ bị xem như các thủ phạm gây tai họa. Trước tình trạng tồi tệ trên, nhiều gia đình công nhân của TEPCO phải giấu nhẹm việc họ làm tại nhà máy để không bị cộng đồng xa lánh và chỉ trích.

Nỗi đau hạt nhân của Nhật Bản là một trong những nỗi đau nặng nề nhất của nhân loại. Ngày 6/8, Nhật Bản đã tổ chức tưởng niệm 67 năm Hiroshima bị ném bom nguyên tử. Lễ tưởng niệm được tổ chức vào thời điểm ngày càng có nhiều người ở Nhật Bản quan tâm đến vấn đề sức khỏe do bức xạ sau khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Đặc biệt, cháu trai của cựu tổng thống Mỹ Harry Truman - người ra lệnh ném 2 quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima trong thế chiến II đã tham dự buổi lễ, cùng đại sứ Mỹ ở Nhật Bản và các phái viên hàng đầu của 2 cường quốc hạt nhân Anh, Pháp.

Trong lễ tưởng niệm, Nhật Bản kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân và chăm sóc sức khỏe nhiều hơn cho những người may mắn sống sót sau về những vấn đề do bức xạ từ vụ ném bom gây ra.

Vũ Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang