Những giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động

authorHòa Lê 15:21 02/01/2020

(VietQ.vn) - Năng suất lao động là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt trên 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017.

Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Những giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động

 Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Ảnh minh họa

Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đúng và chú trọng cho hoạt động đầu tư mua sắm, thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại để hỗ trợ người lao động, tạo môi trường làm việc thuận lợi, tiến tiến để nhân công có thể tận dụng, phát huy tối đa năng lực và từ đó cũng nâng cao năng suất lao động... Điều này bắt nguồn từ điều kiện làm việc, môi trường làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và vốn của Việt Nam còn thấp cũng như tay nghề kỹ năng của người lao động còn thấp. Và điều đó giải thích vì sao hiện nay thu nhập của chúng ta còn thấp vào loại thấp nhất trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và khu vực châu Á nói chung.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) cho rằng, năng suất lao động quan trọng đối với cả ba đối tượng là doanh nghiệp, người lao động và Nhà nước. Năng suất lao động cao thì doanh nghiệp mới có thể thu hút đầu tư và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; người lao động được cải thiện đời sống; đồng thời, năng suất cao giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tác động trực tiếp đến GDP. Tăng năng suất lao động cần đến từ tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo các cấp và của chính người lao động. Chính vì vậy, việc thay đổi môi trường, thể chế là điều quan trọng để tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó tăng năng suất lao động.

Phân tích kĩ hơn về vấn đề này, theo ông Tuấn, để giải quyết nút thắt tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp thì Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ coi lao động giá rẻ là một lợi thế. Bởi lao động giá rẻ, thì thu nhập của người lao động cũng thấp. Và Việt Nam nên chuyển dần suy nghĩ, không nên coi đây là lợi thế nữa mà nên đi vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn thay vì gia công sản phẩm cho các nước như hiện nay, đồng thời cải cách thể chế, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp tư nhân ngày càng cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI, khó tiếp cận nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên... Do đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân càng ngày càng thu hẹp quy mô, không dám đầu tư lớn để tăng năng suất, trong khi đáng lẽ đây phải là khu vực có năng suất lao động cao hơn.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang