Những lễ hội lớn ở miền Bắc không thể bỏ qua trong tháng Giêng này

authorĐỗ Thu Thoan 08:56 01/02/2017

(VietQ.vn) - Tháng Giêng là khoảng thời gian có nhiều lễ hội truyền thống nhất trong năm với những nét văn hóa độc đáo và đây cũng là lúc người dân đi lễ hội đầu năm rất đông.

Hội gò Đống Đa ngày 5 tháng Giêng ở Hà Nội

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là lễ hội mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của người anh hùng áo vải Quang Trung. Đây là chiến thắng oanh liệt của Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu - 1789.

nhung-le-hoi-lon-o-mien-bac-khong-the-bo-qua-trong-thang-gieng-nay

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết - Ảnh minh họa

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Sau đó là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

Từ sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ.

Lễ hội Chùa Hương - từ mồng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đây được xem là lễ hội chùa chiền lớn nhất cả nước dịp đầu năm và thu hút đông đảo du khách cả nước mỗi dịp xuân về.

Đến với lễ hội Chùa Hương, du khách không chỉ đến để cầu bình an cho một năm mới mà còn được đắm mình vào cảnh sông núi thanh bình nơi đây. Giá vé tham quan chùa Hương là 50.000 đồng/khách và vé đò dọc từ 35 – 40.000 đồng/khách.

Tuy nhiên, không đợi đến ngày khai hội (mồng 6 tháng Giêng), vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch đã có rất nhiều người từ mọi nơi đến trẩy hội.

nhung-le-hoi-lon-o-mien-bac-khong-the-bo-qua-trong-thang-gieng-nay

Đây được xem là lễ hội chùa chiền lớn nhất cả nước dịp đầu năm - Ảnh minh họa

Hội đền Gióng – mồng 6 tháng Giêng

Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày liên tiếp với các nghi lễ truyền thống: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Theo truyền thuyết, đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời. Hiện tại, khu di tích bao gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

Lễ hội Yên Tử 10/1 ở Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khai mạc ngày 10 tháng Giêng và lẽ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Ngoài những nghi lễ truyền thống như lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm, lễ cầu quốc thái dân an, lễ khai ấn “Dấu Thiêng Chùa Đồng” còn có các tiết mục nghệ thuật truyền thống, các hoạt động văn hóa dân gian, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian...

Đặc biệt, sự tham gia của đồng bào dân tộc ít người quanh vùng núi Yên Tử và các vùng lân cận vào các hoạt động của lễ hội làm cho các hoạt động của chương trình phong phú hơn.

Hội chợ Viềng ở Nam Định

Hội chợ Viềng là một trong những lễ hội đầu năm không thể bỏ lỡ ở miền Bắc. Hội diễn ra vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Trong lễ hội, những sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi, các và những vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Tại lễ hội bạn có thể mua từ những vật dụng nhỏ như đòn gánh, quang thúng hay đến những thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt, quần áo…. Ngoài ra, du khách còn có thể mua được những chiếc lư hương bằng đồng...

Mặc dù hội diễn ra vào mồng 8 tháng Giêng âm lịch nhưng cứ đến khoảng mùng 7 tháng Giêng, du khách từ mọi miền lại nườm nượp đổ về đây.

Hội Lim ở Bắc Ninh ngày 13 tháng Giêng

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc, là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng.

nhung-le-hoi-lon-o-mien-bac-khong-the-bo-qua-trong-thang-gieng-nay

Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc - Ảnh minh họa

Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc với những hoạt động lễ và hội phong phú, hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng tâm linh. Đây là dịp để các Liền anh, Liền chị có cơ hội được giao lưu, hát giao duyên và thể hiện truyền thống quan họ rất riêng ở Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, đấu võ, đầu cờ, nấu cơm, dệt cửi...

Khai ấn đền Trần ở Nam Định

Lễ hội được bắt đầu bằng lễ khai ấn từ giờ Tý (nửa đêm), ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, thường từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Ở cả 3 đền trong đền Trần, gồm: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa thường xuyên diễn ra các lễ hầu đồng hay lên đồng. Đây là lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhằm tri ân công đức các vị vua Trần thu hút đông đảo du khách thập phương.

Đỗ Thu Thoan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang