Những trăn trở cuối nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cử tri TP.HCM

author 17:02 05/12/2015

(VietQ.vn) - Theo Chủ tịch nước, dù đã toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, nhưng do bị động về mặt quỹ thời gian, nên việc tiếp xúc cử tri để giải quyết khiếu tố, khiếu nại của người dân còn hạn chế so với yêu cầu, mong cử tri thông cảm.

Sáng ngày 5/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu tổng kết nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, trước đông đảo cử tri Q.1, TP.HCM, và cùng với các thành viên tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Trong vòng 5 năm qua, Chủ tịch nước đã thực hiện 52 buổi tiếp xúc cử tri, với hơn 16.000 lượt cử tri tham dự. Chất lượng ý kiến của các cử tri cũng được đánh giá là tăng dần về mặt nội dung lên theo từng năm, phong phú, đa dạng.

Nếu như vào đầu nhiệm kỳ, cử tri chủ yếu nêu lên những vấn đề khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp, thì về sau đã trực tiếp tham gia vào nhiều nội dung của Quốc hội vào dịp trước và sau kỳ họp. Cùng với các thành viên khác của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, dành thời gian để trả lời cho cử tri từ 10 đến 17 vấn đề khác nhau.

Bên cạnh đó là những nội dung thuộc nhóm ý kiến có liên quan đến các cơ quan ở trung ương. Chỉ trong vòng 5 năm, Chủ tịch nước đã nhận 506 đơn kiến nghị trực tiếp hoặc đơn chuyển từ phía các cử tri, tiếp xúc công dân trực tiếp hoặc cùng với bộ phận giúp việc tiếp xúc công dân 316 buổi, với sự tham gia của 400 cử tri khác nhau.

Với cương vị của mình, Chủ tịch nước đã chỉ đạo tăng cường công tác tiếp xúc công dân, giải quyết ngay các khiếu nại ngay tại cơ sở, quận huyện và TP, tránh tối đa việc chuyển đơn lòng vòng, gây phiền hà cho người dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một buổi tiếp xúc cử tri Q.1, TP.HCM - ảnh: H.T

Chủ tịch nước cũng đã tham gia góp ý xây dựng Hiến pháp, các bộ luật, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước ký ban hành lệnh công bố Hiến pháp, các bộ luật, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền cụ thể hóa Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống.

Với cương vị là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tập trung thực hiện đúng chương trình hành động, thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, lắng nghe các tâm tư và nguyện vọng của cử tri, của nhân dân, cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới.

Thế nhưng, Chủ tịch nước cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số các khuyết điểm, tồn tại trong nhiệm kỳ này là: Một số chỉ tiêu phấn đấu của nhiệm kỳ này vẫn chưa hoàn thành như mục mục tiêu là phấn đấu tới năm 2020 đưa đất nước trở thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nợ công tăng nhanh, nợ xấu giảm nhưng vẫn còn cao, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, khu vực doanh nghiệp trong nước, nông nghiệp còn khó khăn, kinh tế tăng trưởng thấp hơn 5 năm trước, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước còn nhiều mặt hạn chế, bức xúc của dân còn kéo dài, kỷ cương phép nước chưa nghiêm…

“Tuy đã toàn tâm, toàn ý phấn đấu để phục vụ đất nước trong nhiệm vụ là đại biểu Quốc hội, và cũng là Chủ tịch nước, nhưng do bị động về mặt quỹ thời gian, nên tôi tự nhận thấy việc tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử, và giúp đỡ cử tri trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế so với yêu cầu của bà còn cử tri. Tôi rất mong được cử tri thông cảm” – Chủ tịch nước nêu mong muốn của mình.

Cuối cùng, Chủ tịch nước cam kết, từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ tiếp tục rà soát những nội dung nào còn hạn chế, tiếp tục thực hiện cho đến hết nhiệm kỳ những nhiệm vụ, vai trò của người đại biểu của nhân dân theo đúng các qui định của Hiến pháp, pháp luật.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang