Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nâng cao chất lượng và an toàn

author 08:16 18/11/2018

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với các sở ngành tỉnh Kiên Giang vừa phối hợp tổ chức 2 hội thảo liên quan đến ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đồng tổ chức Hội thảo “Liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông sản an toàn”. Và trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Công nghệ cao và nông sản an toàn Đồng bằng sông Cửu Long tại 4 tỉnh vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang và Cần Thơ) năm 2018, Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” cũng đã được tổ chức.

Theo đó, Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” là hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của bà con nông dân, là chương trình tư vấn, khuyến nông, nhằm liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa bà con nông dân với các nhà chuyên gia và các nhà khoa học; tạo điều kiện cho bà con nông dân được học tập, trao đổi thông tin lẫn nhau, củng cố và trang bị thêm kiến thức khoa học, kinh nghiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Phát biểu khai mạc, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết: Để góp phần giúp cho các địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, trong những năm qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các địa phương tổ chức chuỗi các chương trình tư vấn khoa học cho bà con nông dân. Sau nhiều năm tổ chức, các chương trình tư vấn khoa học này đã trở thành diễn đàn liên kết một cách hiệu quả nhất giữa bà con nông dân với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong mọi lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở để các địa phương thực hiện liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp và theo chuỗi giá trị, đặc biệt trong tái cơ cấu nông nghiệp như hiện nay.

 Các đại biểu tại Hội thảo “Liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông sản an toàn”

Tại tọa đàm, ban tổ chức cũng nhận được nhiều câu hỏi từ doanh nghiệp và bà con nông dân. Các câu hỏi tập trung vào các công nghệ cao đã áp dụng thành công vào sản xuất nông nghiệp tại tinh Kiên Giang trong thời gian qua và hiệu quả của nó. Giống lúa chất lượng cao nào phù hợp trong sản xuất hữu cơ cho vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng. Một số giống lúa trồng sau vài năm thì đất bị thoái hóa, giải pháp công nghệ gì để ngăn ngừa. Các công nghệ cao nào đang khuyến khích áp dụng trong quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Những ứng dụng công nghệ trong phòng trừ dịch hại [trên lúa, khóm, xoài và nhiều câu hỏi cho trên tôm (sú, chân trắng và càng xanh), trên cá lóc, heo và bò]… để sản phẩm nông nghiệp của Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung có đủ tiêu chuẩn vào các thị trường khó tính của Thế giới. Những giải đáp, trao đổi, tranh luận giữa các nhà khoa học, chuyên gia và nông dân giải quyết hầu hết các vướng mắc của nông dân đặt ra trong câu hỏi.

Còn tại Hội thảo “Liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông sản an toàn”, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết: Việt Nam đang có đến trên 10 mặt hàng nông sản có sản lượng cao, trong đó có nhiều loại dẫn đầu thế giới như: cá tra, tôm nước lợ, lúa gạo, hồ tiêu, cà phê,… Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ mới làm tốt được khâu sản xuất nhưng còn yếu khâu liên kết sản xuất. Khâu chế biến và cả tiêu thụ cũng còn yếu, đặc biệt còn rất yếu trong liên kết tiêu thụ. Do yếu trong các liên kết trên, nên sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Theo TS. Trần Quang Giàu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, việc liên kết sản xuất sẽ giúp giảm giá thành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tạo pháp nhân cho Tổ hợp tác hay Hợp tác xã để vay vốn hay ký kết hợp đồng được thuận lợi hơn. Những năm gần đây khâu liên kết (sản xuất hay tiêu thụ) đã được quan tâm nhưng vẫn còn yếu, nhất là khâu liên kết tiêu thụ. TS. Giàu nói thêm: Cần thành lập Ban Chỉ đạo liên kết vùng TGLX hoặc ĐBSCL để chỉ đạo điều hành hoạt động hợp tác, liên kết giữa các tỉnh trong vùng và các thành phố lớn trong lĩnh vực về thương mại sản phẩm nông nghiệp an toàn; xây dựng cơ chế phối hợp dựa vào tiềm năng, thế mạnh của vùng để hợp tác một cách hiệu quả, tạo ra thị trường khu vực lớn hơn, qua đó hình thành nên chuỗi giá trị khu vực vùng.

Còn theo TS. Từ Minh Thiện - Phó Tổng Giám đốc Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Việc ứng dụng công nghệ cao, không phải chỉ là áp dụng nhà màng và tưới tiêu nhỏ giọt,… mà ứng dụng công nghệ cao trong các giai đoạn của canh tác, ví dụ như trồng cà chua bi tưới dinh dưỡng sữa, trái cà chua có mùi vị của sữa, đó cũng là áp dụng công nghệ cao.

TS. Thiện cho rằng: Cần đa dạng kênh phân phối, đa dạng ngành hàng, đặc biệt trong siêu thị. Siêu thị kinh doanh hàng rau củ quả thường là lỗ nhưng đã là siêu thị thì cần phải có các mặt hàng này. Vì thế siêu thị yêu cầu đủ loại rau củ quả, nhưng số lượng không lớn, nên làm khó cho Hợp tác xã khi liên kết tiêu thụ. Vấn đề này nảy sinh cần có công nghệ lưu trữ hiện đại cho rau củ quả. Hiện tại, các quốc gia Châu Âu họ có thể lưu trữ rau củ quả trên 6 tháng mà chất lượng vẫn đảm bảo. Trong liên kết tiêu thụ thì hợp đồng 2 bên phải tuyệt đối đảm bảo.

TS. Thiện lấy ví dụ: Năm 2005 cần nhập bò sữa để phát triển đàn cho Tp. Hồ Chí Minh. Đến nước Úc để khảo sát nhập hàng, các công ty Úc họ cho giá 1.250 dollars/con, trong khi đó đến nông trại của nông dân Úc thì chỉ 850 dollars/con, nhưng các chủ nông trại không dám bán vì đã hợp đồng với công ty trước đó. Làm ăn phải có chữ tín. Nếu không sẽ bị phạt bồi thường rất nặng. 

"Nông dân, Hợp tác xã trồng sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nhưng lại chỉ bán tại Việt Nam; hay sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng lại chỉ bán với giá như các sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường. Điều đó làm cho các sản phẩm GAP tại Việt Nam chưa phát triển. Ai, tổ chức nào chịu trách nhiệm chính cho vấn đề này?", TS Thiện băn khoăn.

Thảo Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang