Nữ tiến sĩ Việt chế tạo thành công sản phẩm chuyên biệt cho ung thư

author 19:03 19/07/2017

(VietQ.vn) - Chị luôn tự hỏi mình phải làm gì từ công nghệ nano, làm gì để cứu giúp những bệnh nhân ung thư đang khao khát sống?

Nữ giảng viên từ bỏ cơ hội làm việc ở nước ngoài về Việt Nam nghiên cứu khoa học

Trước khi trở thành nhà khoa học, chị vốn là một giáo viên của trường THPT An Lương Đông, TP Huế. Dạy học được vài năm, chị ra Hà Nội tiếp tục nghiệp "đèn sách", làm nghiên cứu sinh ở Viện Hóa học ở Hà Nội và năm 2003 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

10 năm nghiên cứu khoa học, nữ tiến sĩ Việt chế tạo thành công sản phẩm chuyên biệt cho ung thư

"Phụ nữ làm khoa học vất vả lắm, nhưng tôi muốn làm và sẽ làm đến cùng, vì con đường tôi lựa chọn thật sự ý nghĩa". Ảnh: Dân trí 

Ngay sau đó, với kết quả học tập xuất sắc, chị đã nhận được học bổng sau tiến sĩ tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử Pháp. Thời gian được tiếp cận với nhiều vấn đề khoa học đã thôi thúc niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong chị trỗi dậy. TS. Hà Phương Thư nhận được nhiều lời mời làm việc cùng mức lương hấp dẫn của nhiều công ty ở nước ngoài. Tuy nhiên, chị đã từ chối cơ hội mà bao người mơ ước để trở về quê hương.

Năm 2007, TS. Hà Phương Thư chính thức trở thành một thành viên đầy năng lực của Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm Trưởng phòng Vật liệu Nano Y Sinh.

Khi về Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS. Hà Phương Thư mới bắt đầu làm quen với công nghệ Nano, nhưng chỉ 3 năm sau, năm 2010, chị đã có công bố quốc tế đầu tiên về lĩnh vực Nano Y Sinh và đến nay, chị sở hữu một “gia tài khoa học” đáng nể với 30 công bố quốc tế về lĩnh vực nano y sinh và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED)…

Năm 2012, chị là một trong 3 nhà khoa học nữ được L'Oreal UNESCO vinh danh với Giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học”. Một năm sau, chị lại được xướng tên với giải "Ngày Phụ nữ sáng tạo" của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

"Người Việt Nam bây giờ ung thư nhiều quá"

Đó là tâm sự của chị trước những câu chuyện đau lòng của người thân, bạn bè, những người đã, đang sống chung với bản án tử hình ung thư.

"Tôi có một người bạn thân là nhà báo, đang độ tuổi đẹp nhất, sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc, rồi bỗng nhiên nhận tin dữ ung thư vú di căn xương. Tôi đã thấy không biết bao nhiêu giọt nước mắt, những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần của bạn, thậm chí của cả gia đình trên con đường giành giật lại sự sống từ tay tử thần đầy gian truân. Thế rồi tôi luôn tự hỏi mình phải làm gì từ công nghệ nano, làm gì để cứu giúp những bệnh nhân ung thư đang khao khát sống như bạn tôi, và hàng hàng bệnh nhân ung thư khác?"

10 năm nghiên cứu khoa học, nữ tiến sĩ Việt chế tạo thành công sản phẩm chuyên biệt cho ung thư

 Chân dung nữ TS “nano” Hà Phương Thư. Ảnh: Tuổi trẻ

Những câu hỏi đó luôn thôi thúc nữ tiến sỹ trẻ tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời nhiều công trình khoa học xuất sắc, hướng tới cộng đồng, trong đó phải kể đến đề án "Nghiên cứu quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư" được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới.

Đề án này xuất phát từ ý tưởng mới là sử dụng các vật liệu kích thước nano làm phương tiện mang, tạo thành phức hệ Nano đa chức năng, kết hợp nhiều hoạt chất nhằm hiệp đồng tác dụng, tăng hiệu quả tác động đối với tế bào ung thư, tập trung vào vị trí khối u, tránh tác động đến tế bào lành.

Tháng 10-2016, chị ghi tên mình vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học khi công bố chế tạo thành công phức hệ nano FGC chuyển giao cho Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI thành sản phẩm CumarGold Kare, mở ra hy vọng mới trong dự phòng và hỗ trợ điều trị ung bướu. Công trình nghiên cứu này cũng giúp tiến sĩ Hà Phương Thư lọt top 50 “Người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” do tạp chí Forbes bình chọn.

Làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học lại càng khó hơn. Chị tâm sự: “Phụ nữ làm khoa học vất vả lắm, nhưng tôi muốn làm và sẽ làm đến cùng, vì con đường tôi lựa chọn thật sự ý nghĩa. Tôi cũng muốn chứng minh rằng, khoa học không phải là một ngành nghề khô khan, tôi vẫn làm khoa học với cái đầu lạnh và một trái tim nóng, một trái tim luôn hướng tới cộng đồng”.

Làm giàu: Bên trong trang trại tía tô 700 đồng một lá xuất đi Nhật có gì?(VietQ.vn) - Nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì một hécta trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, làm giàu 2,5 tỷ đồng.

Dũng Linh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang