'Ông lớn' vận tải thuỷ Vivaso sẽ rút vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam?

author 06:43 16/11/2018

(VietQ.vn) - Nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng, công văn của Bộ VH,TT&DL đã gửi là đi ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa hãng phim.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) đã gửi công văn số 4974/BVHTTDL- KHTC tới Công ty CP đầu tư phát triển phim truyện Việt Nam về việc thực hiện Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cho rằng, văn bản này đi ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa hãng phim và dường như không hề có sự rút vốn, thoái vốn của Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso).

Hãng phim truyện Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa VFS, sau đó, người phát ngôn Bộ VH,TT&DL đã trả lời báo chí về những vấn đề xung quanh. Theo đó, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ VH,TT&DL cho biết, Thứ trưởng bộ VH,TT&DL Lê Quang Tùng đã ký công văn đề nghị ban lãnh đạo và người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ, làm rõ một số nội dung liên quan đến thực hiện Kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa VFS. Thời hạn trả lời các yêu cầu liên quan là 15/11/2018.

Tuy nhiên, phải đến 12/11/2018, Hãng phim truyện Việt Nam mới nhận được công văn này. Theo các nghệ sĩ, thời hạn 3 ngày là không đủ thực hiện các yêu cầu trong văn bản. 

Để khắc phục vấn đề này, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản chính thức gửi tới Hãng phim truyện Việt Nam nêu rõ gia hạn trả lời đến ngày 15/12/2018. 

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: 'Đừng bao giờ bán nhiều thứ cho người chỉ cần một thứ'“Giả sử hãng phim đã được định giá chỉ dựa trên tài sản hữu hình là đất, thì Tổng công ty Vận tải thủy đã mua với giá rất hời vì tài năng của các nghệ sĩ đã không được định giá”, ông Quách Mạnh Hào, chuyên gia kinh tế cho biết.

Có thể lược kể một số điểm trong các vấn đề này như: Kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các khoản công nợ, phải thu phải trả chưa được đối chiếu tại thời điểm cổ phần hóa; Xử lý dứt điểm các vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Yêu cầu thực hiện nội dung theo Kết luận Thanh tra; Kiện toàn bộ máy lãnh đạo; Yêu cầu nhà nhà đầu tư chiến lược bổ sung nội dung về mục tiêu, kế hoạch; Sớm sắp xếp việc làm, ổn định đời sống cán bộ công nhân viên; Rà soát các vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, đề xuất việc thu hồi tiền lương đã thanh toán không đúng quy định, chi trả tiền lương còn thiếu cho người lao động theo kết luận của Thanh tra Chính phủ...

Được biết, nhà đầu tư chiến lược của VFS là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) - đơn vị mua lại 65% cổ phần (32,5 tỷ đồng) của Hãng phim truyện Việt Nam. Kết luận thanh tra kiến nghị Bộ VH,TT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để Vivaso xin rút vốn trước thời hạn. 

Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso).

Sau 11 ngày VFS đăng thông báo tìm nhà đầu tư chiến lược, Vivaso là đơn vị duy nhất xuất hiện trong thương vụ này. Tháng 6/2017, Vivaso trở thành ông chủ mới của Hãng phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên điều khiến không ít người băn khoăn là việc ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT của Vivaso mặc dù là "lão làng" trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và vận tải đường thủy nhưng về đầu tư điện ảnh, kinh nghiệm lại gần như chỉ mới ở điểm xuất phát.

Sau khi trở thành ông chủ mới của VFS, nhiều nghệ sĩ cho rằng, đời sống của họ không được Vivaso quan tâm. Bên cạnh đó, Vivaso không đầu tư làm phim, để hãng phim tan hoang, xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại đề ra các quy định trái khoáy như yêu cầu nghệ sĩ phải chấm vân tay 14 ngày trở lên mới được đóng bảo hiểm…

Hơn nữa, giá trị thương hiệu 60 năm của hãng phim, giá trị 4 lô đất rộng tới 14.000m2 lại không được định giá và tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. 

Nguyễn Huệ

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang