PGS. TS Phạm Thế Anh: Cần bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước

author 12:53 12/04/2019

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của PGS. TS Phạm Thế Anh tại buổi Tọa đàm Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019.

PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, trong quý I/2019, thế giới chứng kiến nhiều biến động. Mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ở mức khá, nhưng kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn do cả những vấn đề nội tại lẫn căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu có nhiều bất ổn trước áp lực của đàm phán Brexit cũng như các chia rẽ khác trong nội khối. Tăng trưởng cao nhất vẫn thuộc về nhóm nước ASEAN. Tuy nhiên, việc các liên kết kinh tế lớn trên thế giới rạn nứt đã, đang và sẽ gây không ít những bất ổn cho nhóm các nước này, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động thương mại và toàn cầu hoá.

Cùng với sự biến động của thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I ở mức 6,79%, thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (7,45%). Tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại. Đáng lưu ý là sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua vào tháng 02/2019 do sự sụt giảm về lượng việc làm và hàng tồn kho khiến mức độ lạc quan của nhà sản xuất cũng giảm đáng kể. 

 PGS. TS Phạm Thế Anh.

Tuy nhiên, ông PhạmThế Anh cũng đưa ra lo ngại việc dòng vốn từ Trung Quốc ngoài những tích cực đem lại cho việc làm và tăng trưởng, thì cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với doanh nghiệp FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước gần như không có sự tiến triển trong suốt một năm qua. Những khó khăn trong quá trình định giá tài sản và tâm lý sợ trách nhiệm dường như đang là những rào cản chính của quá trình này.

Nhìn nhận về mức tăng trưởng đạt 6,79% của  quý I, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU... khiến tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. Trong bối cảnh đó, ông dự báo tăng trưởng năm 2019 ở mức 6,8%.

Cuối cùng, vị chuyên gia của VEPR khuyến nghị cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Bởi khi vấn đề thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh chưa được giải quyết, những thành tích về tăng trưởng hay lạm phát đang phải dựa vào một nền tảng bấp bênh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính sách tài khóa, tiền tệ đang đi đúng hướng(VietQ.vn) - Tối 29/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên họp quý I/201.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang