PGS. TS Vũ Minh Khương: Thượng đỉnh Mỹ - Triều chứng minh giá trị chiến lược mà Việt Nam bằng lịch sử bi hùng của mình, đóng góp cho thế giới

author 18:59 25/02/2019

Được chọn là nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, Việt Nam đứng trước khả năng tạo nên bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện khác nhau.

Vào ngày 27 & 28/2 tới đây, thủ đô Hà Nội sẽ trở thành chủ nhà cho một trong những sự kiện quốc tế được chờ đón nhất trong năm 2019: hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Báo điện tử Tổ Quốc đã tiến hành phỏng vấn PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) và hiện đang là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, về những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể chia sẻ với Triều Tiên, cũng như triển vọng của Việt Nam trước tiềm năng trở thành một địa điểm tổ chức cho các hoạt động, sự kiện tầm cỡ quốc tế.

Xin mời độc giả theo dõi.

PGS. TS Vũ Minh Khương hiện đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore

PV: Thưa PGS.TS Vũ Minh Khương, ông từng đề cập tới việc Việt Nam có thể chia sẻ với  Triều Tiên một số kinh nghiệm về hoà nhập và cải cách kinh tế. Xin ông cho biết cụ thể hơn về điều này?

PGS.TS Vũ Minh Khương:

Việt Nam có nhiều bài học quí trong cải cách kinh tế và hội nhập thế giới mà Triều Tiên có thể tham khảo. Theo tôi, có năm bài học đáng lưu ý nhất. Thứ nhất, đó là chuyển mạnh nền kinh tế từ quan liêu mệnh lệnh sang nền kinh tế thị trường với vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước. Trong khi cơ chế thị trường và thành phần kinh tế tư nhân nhanh chóng trở thành động lực chủ đạo quyết định công cuộc phát triển, nhà nước đóng vai trò định hướng, yểm trợ, và khuyến tạo.

Thứ hai, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, trong đó thúc đẩy xuất khẩu và xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài là các ưu tiên hàng đầu.

Thứ ba, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng cơ sở, đặc biệt là điện, đường giao thông, sân bay, cảng, và hạ tầng công nghệ thông tin. Chẳng hạn về điện tiêu dùng trên đầu người, Việt Nam từ một điểm xuất phát thấp hơn nhiều đã nhanh chóng vượt qua nhiều nước trong khu vực như Indonesia và Philippines. 

Thứ tư, cạnh tranh giữa các tỉnh trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư có tác động rất lớn đến sức sống động của cả nền kinh tế.

Thứ năm, coi trọng phát triển bao trùm. Việt Nam chú trọng khá tốt trong xóa đói, giảm nghèo; đưa điện đến nông thôn và vùng sâu xa; và thúc đẩy nông nghiệp tham gia xuất khẩu. Tôi mới đi họp ở Manila về và bài học này của Việt Nam được bàn nhiều đến ở Philippines.

Trong một bài viết đăng trên trang Diễn đàn Đông Tây (Eastwest Forum) hồi tháng 3/2018, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, Hà Nội là một địa điểm lý tưởng để tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Ba lý do chính ông đưa ra là: thứ nhất, nó là thông điệp chiến lược chứng tỏ lãnh đạo hai bên thực sự cam kết tạo ra bước ngoặt trong cải thiện quan hệ Mỹ - Triều; thứ hai, đó cho thấy, Việt Nam là một mô hình tốt để cả Triều tiên và Mỹ tham khảo trong nỗ lực biến thù cũ thành đồng minh chiến lược; và cuối cùng, nó mở ra khả năng Triều Tiên có thể tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam cho quá trình hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và cải cách kinh tế.

Những nhận định của ông Vũ Minh Khương lúc đó từng gây ra nhiều phản ứng trái chiều, và Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất cũng đã diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018. Tuy nhiên, tám tháng sau, Hà Nội, Việt Nam giờ đây đứng trước cơ hội làm nên lịch sử khi được chọn làm địa điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai.

PV: Ông có thể cho biết những thay đổi về vị thế và kinh tế mà Việt Nam có thể kỳ vọng đạt được với việc trở thành nước chủ nhà của Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai?

PGS.TS Vũ Minh Khương:

Với việc được chọn là nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, Việt Nam đứng trước khả năng tạo nên bước tiến vượt bậc trên ba phương diện.

Thứ nhất, vị thế và hình ảnh Việt Nam được nâng cao rõ rệt trên trường quốc tế. Nó thể hiện không chỉ ở năng lực tổ chức các sự kiện ở đẳng cấp cao nhất mà cả ở giá trị chiến lược mà Việt Nam, bằng lịch sử bi hùng của mình, có thể đóng góp làm thế giới tốt đẹp hơn.

Thứ hai, với thương hiệu Việt Nam nổi lên qua sự kiện lịch sử và đầy nhân văn này, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một nơi lựa chọn đặc sắc mà khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế quan tâm.

Thứ ba, tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh này sẽ thôi thúc Việt Nam cải cách mạnh mẽ hơn nữa để thực sự là tấm gương không chỉ ở vượt nên quá khứ mà cả ở kiến tạo tương lai.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh Singapore (ảnh: getty)

PV: Với một loạt sự kiện mang tầm cỡ thế giới đã diễn ra tại Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2018, theo ông, Việt Nam có thể hướng tới xây dựng thương hiệu như một điểm đến thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội mang tầm cỡ quốc tế, hay không? Và đâu sẽ là cơ hội và lợi thế của Việt Nam nếu làm vậy?

PGS.TS Vũ Minh Khương:

Đúng vậy. Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn để việc tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đổi thay và phát triển. Để thành công trong khai thác tiềm năng này, Việt Nam cần lưu ý mấy vấn đề lớn sau.

Thứ nhất, phải coi đây là một nỗ lực phát triển, nâng tầm vóc và vị thế đất nước, chứ không chỉ là nhằm thu hút du lịch. Làm sao để mọi người dân đều thấy cảm kích và có trách nhiệm với từng bước đi lên của đất nước mình.

Thứ hai, cần có chiến lược rõ ràng: xác định rõ mục tiêu, biết rõ hiện giờ mình đang ở đâu, và đâu là trở ngại chính mình cần phải vượt qua để đi đến đích mong muốn.

Thứ ba, cần tạo ra một nền tương tác đề mọi cá nhân và tổ chức đều có thể tham gia đóng góp và không ngừng học hỏi vươn lên trong nỗ lực này.

Xin cám ơn PGS.TS Vũ Minh Khương

Theo Báo Tổ quốc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang