Phân bón giả ‘chôn’ của người nông dân 2 tỷ USD mỗi năm

author 13:50 27/06/2016

(VietQ.vn) - Trong sản xuất nông nghiệp, có câu “nhất nước, nhì phân” nhưng phân bón giả làm mất 2 tỷ USD/năm, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, đất, nước…

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho hay, tại Việt Nam mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện hơn 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng. Riêng năm 2015 cơ quan chức năng đã tịch thu hàng nghìn tấn phân giả, kém chất lượng. Tháng 3/2016, quản lý thị trường đã tăng cường lấy mẫu ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong số 46 mẫu phân bón thì có tới 13 mẫu (28%) không đạt yêu cầu, điều này cho thấy tình trạng phân bón giả, kém chất lượng là đáng báo động.

Phân bón giả gây thiệt hại 2 tỷ USD mỗi năm  

Tại ĐBSCL, vựa lúa của cả nước, nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn nên tình trạng làm phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhiều. Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ thừa nhận, thực trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay tràn lan, rất khó kiểm soát. Thậm chí, nhiều cơ sở phân bón “công nghệ cuốc, xẻng” dùng gạch, đất, đá ghiền pha trộn thành phân bón, rồi đóng bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người nông dân.

Mới đây, kiểm tra hành chính tại kho sản xuất của Công ty TNHH MTV Hạnh Phát Hưng (ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai) do Nguyễn Thị Kim Hạnh làm chủ, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ đã niêm phong, tạm giữ 13.721 bao phân bón (50kg/bao).

Trong đó, 799 bao phân bón mang nhãn hiệu Hạnh Phát Hưng; 9.279 bao phân bón Trung Quốc, Na Uy, Isreal, Indonesia; 3.070 bao phân bón Việt Nam sản xuất và 573 bao phân bón các loại đã hết hạn sử dụng. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về hành vi kinh doanh trái phép. Qua điều tra xác định, Nguyễn Thị Kim Hạnh mua phân bón thành phẩm của các công ty, phân bón do Trung Quốc sản xuất rồi pha trộn, đóng gói nhãn hiệu Hạnh Phát Hưng bán cho các đại lý, thu lợi bất chính 3 tỷ đồng.

Một vụ việc gây ồn ào dư luận thời gian gần đây nữa là vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón kém chất lượng, kết quả kiểm nghiệm 29 mẫu phân bón thì có 19 mẫu không đạt theo tiêu chuẩn công bố. Cụ thể, theo kết quả kiểm định của Quatest 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thì có 19/29 mẫu phân bón kém chất lượng không phù hợp so với đăng ký chất dinh dưỡng chính, chỉ đạt 70%, trong đó có loại phân vi lượng kẽm (Zn) ghi trên bao bì là 15.000 ppm, kết qủa kiểm nghiệm chỉ có 1.310 ppm (chưa tới 10%).

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Vũ Đại Dương, Phó cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, theo quy định hiện hành về nhãn hàng hóa, doanh nghiệp công bố thành phần, định lượng, các thông tin liên quan đến sản phẩm hàng hóa trên nhãn thì phải chịu trách nhiệm về những thông tin đó. Trong trường hợp sản phẩm hàng hóa có kết quả kiểm nghiệm không đúng với công bố, cụ thể là không đạt mức như doanh nghiệp công bố thì được coi là sản phẩm kém chất lượng.

Hiện, cả nước có 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón với 6.000 loại phân bón khác nhau. Chính hiện trạng có quá nhiều công ty phân bón và nhiều chủng loại phân bón như trên dẫn đến việc quản lý chất lượng rất khó khăn. Đã có sự chồng chéo trong cơ chế quản lý thị trường phân bón như: Phân vô cơ thì do Bộ Công thương quản lý, còn phân hữu cơ thuộc về phía Bộ NN&PTNT.

Thống kê thiệt hại do nạn phân bón giả tràn lan gây ra, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, phân bón giả đã gây thiệt hại tới 2 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế. Nguy hại hơn, nạn phân bón giả, kém chất lượng đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường, người nông dân và uy tín của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là khánh kiệt vì phân bón giả, kém chất lượng.

"Nông dân Việt Nam đang phải đối diện với hàng loạt những khó khăn, từ thiên tai, dịch bệnh, tư thương ép giá, tin đồn thất thiệt giờ là phân bón giả, kém chất lượng. Phân bón giả không chỉ khiến nông dân thiệt hại, doanh nghiệp không cạnh tranh được, mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm nông sản, đặc biệt, phân bón giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, nước…", ông Lại Xuân Môn nói.

Vietravel ‘ăn chặn’ tiền vé tham quan: Hành động vi phạm pháp luật(VietQ.vn) - Hành động lạm thu tiền vé tham quan, tiền vé cáp treo ưu đãi đối với người già và trẻ em đã vi phạm các quy định của pháp luật.

Theo người đứng đầu cơ quan đại diện cho nông dân, tiền chôn xuống đất vì phân bón giả, còn cái mà người nông dân nhận được là nỗi lo lắng về những vụ mùa thất bát nối tiếp nhau.

"Người xưa có câu “nhất nước, nhì phân”. Phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp. Sử dụng hàng giả, kém chất lượng không những ảnh hưởng đến chất lượng nông sản mà còn gây hại sức khoẻ, giống nòi của người Việt Nam. Vì thế, cơ quan quản lý phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng này", ông Môn nêu quan điểm.

Đề cập đến kết quả thanh tra của Bộ NN&PTNT công bố mới đây về vụ 11 tổ chức chứng nhận, thử nghiệm chất lượng phân bón sai phạm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, cần phải xử lý nghiêm và có phương án giám sát chặt chẽ hoạt động này. Ông Môn cũng cho biết, Hội nông dân Việt Nam đã ký với các đơn vị chủ trì trong việc kiểm tra giám sát, cùng với các cơ quan ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang