Việt Nam ‘hồi sinh’ pháo tự hành chống tăng ASU-85

author 07:02 26/04/2016

(VietQ.vn) - Quân đội Việt Nam quyết định tái sử dụng pháo tự hành ASU-85 do Liên Xô sản xuất và có ý định mua gói nâng cấp cho loại vũ khí này từ Belarus.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Theo chuyên trang quân sự Army Recognition, không chỉ “hồi sinh” pháo tự hành chống tăng ASU-85, Việt Nam còn thể hiện sự quan tâm đối với gói nâng cấp dành cho dòng pháo này từ phía Belarus.

Công ty Minotor (Belarus) đã đề nghị một gói nâng cấp đành cho dòng pháo tự hành ASU-85 của Việt Nam với nhiều cải tiến, bao gồm cả hệ thống động cơ mạnh mẽ hơn cho phép ASU-85 đạt tốc độ tối đa là 60 km/h và tăng tầm hoạt động từ 400 km thành 450 km.

Pháo tự hành chống tăng ASU-85 do Liên Xô sản xuất nhằm thay thế cho dòng pháo ASU-57 đã lỗi thời và xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1962. Nó được sử dụng rộng rãi trong các đơn vị đổ bộ đường không thuộc quân đội Liên Xô, Ba Lan và Đông Đức. Đổ bộ đường không cũng là khả năng nổi trội của ASU-85 so với nhiều dòng pháo tự hành đương thời. ASU-85 thường được vận chuyển bởi trực thăng Mi-6 và một vài dòng máy bay vận tải quân sự khác.

Pháo tự hành chống tăng ASU-85 sẽ được quân đội Việt Nam tái sử dụng

Pháo tự hành chống tăng ASU-85 sẽ được quân đội Việt Nam tái sử dụng. Ảnh Army Recognition

ASU-85 dựa trên khung gầm của xe tăng PT-76 nhưng không có khả năng lội nước. Xe có 3 ngăn: Khoang lái ở phía trước, khoang chiến đấu ở giữa và khoang động cơ ở phía sau. Tất cả các pháo tự hành ASU-85 đều có một đài vô tuyến R-113 và hệ thống liên lạc nội bộ R-120.

Vũ khí chính của pháo ASU-85 là một nòng pháo 85 mm D-70, một biến thể của súng chống tăng 85 mm D-48. ASU-85 có thể bắn được các loại đạn như 3BK-7 HEAT, BR-372 HVAP-T và OF-372 HE. Đây là những loại đạn có thể xuyên thủng giáp sắt dày 192 mm nếu tiếp xúc với bề mặt giáp một góc 60 độ và khoảng cách tối đa là 1.000m. Pháo ASU-85 không có tháp pháo mà phần nòng pháo được đặt ngay phía trước của thân pháo. Nòng pháo có thể được điều khiển bằng tay để nâng cao 15 độ, hạ thấp -4 độ, và xoay ngang 12 độ.

Bên cạnh đó, ASU-85 còn sở hữu một súng máy đồng trục 7,62 mm và một súng máy hạng nặng 12,7 mm, được lắp trên phần mái nhằm chống lại các loại vũ khí đường không.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 25 pháo tự hành ASU-57 cũ từ phía Nga vào năm 1970. Đây cũng là dòng pháo tự hành chống tăng đổ bộ đường không đầu tiên của quân đội Việt Nam. Sau đó, Việt Nam tiếp tục được Nga cung cấp thêm pháo tự hành ASU-85. 

>> Quân đội Nga mong chờ 'Át chủ bài' tương lai S-500

Quang Minh (Theo Army Recognition)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang