Phát hiện 3.900 trường hợp máy tính bị mã độc GandCrab tấn công

author 06:47 13/12/2018

(VietQ.vn) - Hệ thống giám sát virus của Bkav đã ghi nhận 3.900 trường hợp máy tính tại Việt Nam bị mã độc GandCrab mã hóa dữ liệu tống tiền tấn công.

Tập đoàn công nghệ Bkav vừa phát đi cảnh báo một biến thể mới của mã độc mã hóa tống tiền GandCrab đang tấn công trên diện rộng người dùng Internet Việt Nam. Cụ thể, hệ thống giám sát virus của Bkav đã ghi nhận 3.900 trường hợp máy tính tại Việt Nam bị virus này mã hóa dữ liệu tống tiền tại Việt Nam.

Mã độc mới GandCrab đang lây tại Việt Nam thuộc thế hệ thứ 5 của GandCrab. Thế hệ thứ nhất của GandCrab được phát hiện lần đầu trên thế giới vào tháng 1/2018. Từ đó đến nay, dòng mã độc nguy hiểm này liên tục được hacker cải tiến, nâng cấp liên tục qua 4 thế hệ với mức độ tinh vi và độ phức tạp ngày càng cao.

Mã độc GandCrab lây lan bằng cách gửi cho nạn nhân một email giả mạo, với nội dung thúc giục nạn nhân mở file văn bản đính kèm trong email. Thực chất file đính kèm này có chứa virus, nếu nạn nhân mở file, máy tính sẽ bị nhiễm mã độc. Sau khi lây nhiễm, mã độc sẽ mã hóa toàn bộ dữ liệu của người dùng, dữ liệu khi bị mã hóa sẽ không thể mở được.

Trên máy tính nạn nhân sẽ xuất hiện thông báo đòi tiền chuộc để giải mã các file dữ liệu. Theo đó, để trả tiền chuộc người dùng phải cài trình duyệt Tor, thanh toán bằng tiền điện tử Dash hoặc Bitcoin với giá trị tương đương 200 USD đến 1.200 USD tùy theo số file bị mã hóa. Theo ghi nhận của Bkav, hiện tại chưa nạn nhân nào thực hiện trả tiền chuộc cho hacker.

Người dùng nên cài đặt phần mềm diệt virus thường trực để đề phòng việc bị các loại mã độc tấn công. Ảnh: Trí thức trẻ 

Để phòng chống virus, Bkav khuyến cáo, người dùng cần cài đặt phần mềm diệt virus thường trực cho máy tính của mình. Tuyệt đối không mở file đính kèm từ các email không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp bắt buộc phải mở để xem nội dung, người sử dụng có thể mở file trong môi trường cách ly an toàn Safe Run.

Liên quan tới các vụ tấn công mạng, theo thống kê của Bộ TT&TT, trong tháng 11/2018, đã có tổng cộng 160 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam. Trong đó, có 65 cuộc tấn công lừa đảo, 35 cuộc tấn công thay đổi giao diện và 60 cuộc tấn công cài cắm mã độc. Nguy hiểm hơn khi có tới hơn 1,6 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet).

Cùng với đó, Bộ TT&TT đã nhận 5.200 lượt phản ánh về tình trạng tin nhắn rác. Trong đó, lượng phản ánh về tin nhắn rác của thuê bao thuộc nhà mạng VinaPhone chiếm tỷ lệ nhiều nhất (khoảng 52,1%), kế đó là nhà mạng Viettel (khoảng 20,25%), MobiFone (khoảng 15,3%) và Vietnamobile (khoảng 2,1%).

Trước tình hình này, TT&TT đã gửi 1.200 lượt cảnh báo cho các cơ quan, đơn vị tại các bộ, ngành, địa phương qua hình thức văn bản, thư điện tử, điện thoại về các điểm yếu, lỗ hổng, nguy cơ an toàn thông tin, tấn công mạng.

Bảo Lâm

Thứ trưởng Bộ TT&TT: ‘Cảnh giác khi mã độc ngày càng tinh vi’(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, trong tương lai, IoT (Internet Vạn Vật) sẽ phát triển rất nhanh với số lượng thiết bị lớn. Vì vậy, nguy cơ an toàn thông tin từ các thiết bị này cũng rất cao.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang