Phòng chống tham nhũng: Đừng đổ trách nhiệm cho nhau

author 06:44 24/07/2013

Mổ xẻ các nguyên nhân khiến vai trò của các cơ quan nhà nước trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng còn mờ nhạt, cả Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đều đưa ra lý do cơ chế, chất lượng cán bộ "có vấn đề".

Và chừng nào chưa có phương tiện cũng như các hình thức đắc dụng để phát hiện ra các dấu hiệu tham nhũng thì việc tiến hành điều tra, đấu tranh và xử lý tham nhũng khó đạt hiệu quả cao.
 

Xây dựng cơ bản là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Ảnh: Như Ý

Xây dựng cơ bản là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Ảnh: Như Ý


Ít vụ chuyển cơ quan điều tra

Tại phiên giải trình "Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước" do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 18-7, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết: Giai đoạn 2009-2012, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 104 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Từ kết quả kiểm toán, đã điều chỉnh giảm tổng tài sản, nguồn vốn 8.501 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.986 tỷ đồng. Mặc dù vậy, với nghiệp vụ cán bộ, cơ chế hiện hành để phát hiện hành vi sai phạm đúng với bản chất sự việc không đơn giản. Đây là nguyên nhân dẫn tới số vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra còn hạn chế.

Cùng với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ được Chính phủ, Quốc hội coi là cơ quan chủ lực trong phòng chống tham nhũng, nhưng kết quả thu về chưa được như mong muốn. Theo thông tin mới nhất, năm 2009 tổng số tiền tham nhũng bị phát hiện trên 700 tỷ đồng, nhưng nay mới thu hồi 350 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013, kết quả có khá hơn, ngành thanh tra đã phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, yêu cầu thu hồi 115 tỷ đồng (đã thu hồi 59 tỷ đồng); kiến nghị xử lý trách nhiệm 3 người đứng đầu, phạt hành chính 4 tập thể và 28 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kết quả trên vẫn chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng hiện nay.

Khó phát hiện vì thủ đoạn tinh vi


Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm, đặt nhiều dấu hỏi là từng xuất hiện vụ việc lực lượng thanh tra không phát hiện ra tham nhũng, sau đó cơ quan điều tra, báo chí và nhân dân tố cáo lại phát hiện tham nhũng nhưng việc xử lý tiếp theo còn hạn chế. Đang nổi lên tình trạng có kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa bảo đảm tính khả thi, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, bị đối tượng thanh tra thắc mắc, phản ứng.

Lý giải về bất cập này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, quá trình thanh tra phải thực hiện nhiều mục đích nhưng thời gian có hạn, hành vi tham nhũng lại tinh vi nên rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, năng lực, chất lượng cán bộ thanh tra còn hạn chế. Ngay trong nội bộ Thanh tra Chính phủ từ năm 2009 đến nay đã xử lý 11 trường hợp vi phạm có liên quan đến hành vi tham nhũng. Do đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường giám sát cán bộ, công khai, minh bạch hoạt động thanh tra. Trước mắt, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phát hiện sai phạm đến đâu chuyển cơ quan điều tra nghiên cứu đến đó mà không chờ kết luận thanh tra. Tuy nhiên, xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu vực, lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng; tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp; đối tượng thực hiện thường có chức vụ, có khả năng che giấu hành vi vi phạm. Thế nên, để chứng minh động cơ vụ lợi trong việc cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chắc chắn sẽ còn khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết, ở lĩnh vực quản lý ngân sách, quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước, hành vi tham nhũng chủ yếu là lập hợp đồng khống để chiếm đoạt, nâng khống giá khi mua bán vật tư, tài sản, hay chuyển lợi nhuận cho các công ty "sân sau" để trục lợi. Sở dĩ có tình trạng này là do một số cơ quan coi nhẹ việc xử lý, thể chế - chính sách quản lý tài chính, tài sản nhà nước còn sơ hở. Trên lĩnh vực đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu nhận định, khâu phân bổ vốn, xác định chủ đầu tư dự án, công tác đấu thầu, giám sát và sử dụng nguồn vốn ODA dễ phát sinh tiêu cực nhưng biện pháp phòng ngừa thiếu đồng bộ. Thế nên, bên cạnh nâng cao chất lượng cán bộ, cần bịt kín các lỗ hổng cơ chế.

Với quy định hiện hành, để phát hiện được dấu hiệu tham nhũng cần có đầy đủ thông tin và căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không dễ vì việc công khai minh bạch, giải trình hoạt động ở các đơn vị còn hình thức đối phó. Trong khi đó, ở không ít tỉnh, thành phố, đối tượng tham nhũng lại là người có chức vụ, am hiểu các kẽ hở pháp luật, được tiếp cận nhiều thông tin, lại có điều kiện kinh tế, có quan hệ rộng. Chưa có một cơ quan quản lý nhà nước nào thông qua công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý hoặc tự kiểm tra mà phát hiện ra tội phạm tham nhũng. Khi đã khó phát hiện ra bệnh tham nhũng thì không thể chữa được bệnh. Vì vậy, để phòng chống tham nhũng hiệu quả, việc trước tiên cần làm là bịt kín các "kẽ hở" pháp luật.

Bách Sen/HNM

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang