Phân bón giả được làm từ đất và vỏ cà phê, nông dân lãnh đủ

author 14:03 12/11/2016

(VietQ.vn) - Tình trạng phân bón giả được sản xuất từ đất và vỏ cà phê đang trở thành vấn đề nhức nhối khiến người tiêu dùng lo lắng.

Hàng loạt vụ phát hiện cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng

Báo Người lao động đưa tin, mới đây nhất vào ngày 7/11, ông Mai Văn Toàn, đội trưởng đội số 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đình chỉ cơ sở sản xuất Yên Tâm (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng) vì chứa trên 300 tấn phân bón đã đóng bao thành phẩm, sử dụng một số bao bì của các nhãn hiệu khác. Số phân bón này chủ yếu làm từ đất, trộn với vỏ hạt cà phê và không qua quy trình xử lý theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không có giấy phép sản xuất phân bón, không công bố chất lượng theo quy định.

Tương tự, thông tin trên báo Tuổi Trẻ, vào ngày 10/8, công an TP. Cần Thơ phối hợp Đội quản lý thị trường số 7, Chi cục quản lý thị trường TP. Cần Thơ cũng đã bắt quả tang xe tải do tài xế Mai Trần Duy Thức (sinh năm 1991) điều khiển chở 32 thùng phân bón nhãn hiệu Thailand không xuất trình được xuất xứ, hóa đơn chứng từ.

Tình trạng sản xuất phân bón giả đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Tình trạng sản xuất phân bón giả đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Ảnh minh họa: Người lao động 

Ngay sau đó, cảnh sát môi trường đã kiểm tra xưởng sản xuất phân bón của Công ty cổ phần hóa sinh Thái Lan do ông Lê Minh Trung (32 tuổi), ngụ P. Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ làm giám đốc.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện hơn 19 tấn phân bón thành phẩm và 13.710 kg nguyên liệu phụ gia sản xuất phân bón, 5.500 kg phân bón thành phẩm hiệu Bio của Công ty Cổ phẩn Thái Lan sản xuất, gần 260.000 bao bì các loại và nhiều phương tiện, dụng cụ dùng để sản xuất phân bón.

Bước đầu xác định nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ Trung Quốc, quy trình sản xuất rất thô sơ, sản phẩm, nguyên liệu được cho vào máy trộn bê tông để pha trộn, phân trọng lượng, đóng gói thành phẩm.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện chủ cơ sở này đã mua sản phẩm của một thương hiệu phân bón lá khác có tiếng trên thị trường về đóng gói thành bao bì nhỏ mang thương hiệu của công ty để bán ra thị trường.

Điều đáng nói là hàng ngàn tấn phân bón thành phẩm được sản xuất tại cơ sở trên nhưng trên bao bì lại ghi nơi sản xuất là Khu Công nghiệp Trà Nóc, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ.

Phân bón giả hoành hành: Bộ Công thương quyết tâm 'làm tới bến'(VietQ.vn) - Bộ Công Thương đã đình chỉ việc thử nghiệm và chứng nhận phân bón vô cơ với Công ty Vinacert và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ.

Tác hại khi sử dụng phân bón giả, kém chất lượng

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp. Theo thông kế của Bộ NN&PTNT, trên thị trường có rất nhiều phân bón giả, không đủ chất lượng. Mỗi năm, ngành nông nghiệp nước ta bị thiệt hại gần 2 tỷ USD do phân bón giả, kém chất lượng.

Nói tới tác hại của phân bón giả, kém chất lượng, trước đó, tại hội thảo “Phân bón giả - tác hại thật” đã diễn ra tại TP Vũng Tàu, nhiều ý kiến chuyên gia đều khẳng định, phân bón giả kém chất lượng có tác hại vô cùng lớn và thiệt thòi gì cũng đổ lên đầu nông dân.

Theo các chuyên gia, ngoài những thiệt hại thấy được là thất thu mùa vụ còn có những thiệt hại vô hình khác như nước ngầm bị ô nhiễm, sản phẩm xuất khẩu mất uy tín và những thiệt hại này không ai bù đắp được.

Vì vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị bà con nông dân nên vào trang web của Bộ Công Thương để nghiên cứu, tìm hiểu các nhà máy sản xuất, các loại phân bón hoặc trực tiếp liên hệ với nhà máy để tìm hiểu trước khi mua.

Khi mua và sử dụng phải lưu lại hóa đơn, bao bì. Đặc biệt, bà con không nên bón hết lượng phân mua mà nên để lại một ít cùng bao bì, nhãn mác để khi xảy ra sự cố có bằng chứng tố cáo.

 An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang