Phân bón giả hoành hành: Bộ Công thương quyết tâm 'làm tới bến'

authorDương Phương Ngọc 19:45 27/09/2016

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương đã đình chỉ việc thử nghiệm và chứng nhận phân bón vô cơ với Công ty Vinacert và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ.

Đình chỉ 2 đơn vị chứng nhận phân bón

Do những sai phạm trong việc chứng nhận hợp quy của một số phòng thử nghiệm phân bón vô cơ xảy ra trong thời gian vừa qua, ngày 06/9/2016, Bộ Công thương phát đi Công văn số 8288/BCT-HC do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký, gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý đối với sản phẩm phân bón vô cơ đã được công bố hợp quy sai quy định.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã có hai quyết định về việc hủy bỏ quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm và chứng nhận phân bón vô cơ đã cấp cho Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ.

‘Chào bán khống’ chứng nhận VietGAP, Vinacert có thể bị xử phạt thế nào?(VietQ.vn) - Theo luật sư, ‘chào bán khống’ chứng nhận VietGAP, cả VinaCert và nhân viên có thể bị phạt với hành vi vi phạm làm giả các loại giấy tờ.

Công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân có sản phẩm phân bón vô cơ đã được cấp dấu chứng nhận hợp quy do 2 tổ chức này cấp phải có trách nhiệm thu hồi toàn bộ sản phẩm phân bón vô cơ đang lưu thông trên thị trường và báo cáo số liệu cho Sở Công thương trước ngày 15/10/2016.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân này phải tiến hành lại việc chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm đã thu hồi nêu trên tại các tổ chức thử nghiệm được Bộ Công thương chỉ định và thực hiện thủ tục công bố hợp quy tại Sở Công thương theo quy định. Các sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng mới được phép lưu thông trên thị trường.

Không dừng lại ở đó, sau khi chứng nhận hợp quy lại, các bao bì còn tồn kho hoặc sau khi thu hồi, nếu mẫu sản phẩm nào phù hợp thì được phép xóa dấu chứng nhận hợp quy cũ, in bổ sung dấu chứng nhận hợp quy mới trước khi đưa lưu thông trên thị trường. 

Thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận hợp quy sai quy định đối với các sản phẩm phân bón vô cơ. Ảnh: Internet.

Bộ Công thương cũng yêu cầu: Sở Công thương các tỉnh, thành phố phải thực hiện kiểm tra, giám sát việc thu hồi các sản phẩm phân bón vô cơ vi phạm trên thị trường, ghi biên bản xác định số lượng sản phẩm, bao bì tồn kho, sản phẩm phân bón do các tổ chức, cá nhân thu hồi để theo dõi trong việc tiếp nhận và thông báo xác nhận công bố hợp quy theo quy định. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép sản xuất phân bón vô cơ phải tạm dừng sản xuất cho đến khi được cấp phép.

Đây là hai trong 11 đơn vị có nhiều sai phạm liên quan đến chứng nhận và kiểm nghiệm phân bón mà Thanh tra Bộ NN&PTNT công bố hồi tháng 5-2016. Theo đó, các đơn vị này đã không thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm phân bón lưu thông trên thị trường, sử dụng phòng thử nghiệm chưa được chỉ định để phân tích các chỉ tiêu phân bón…

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc chứng nhận phân bón

Trước đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã chỉ ra nhiều vi phạm tại Trung Tâm khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ. Cụ thể, Trung tâm này đã chứng nhận cho 496 sản phẩm không nằm trong danh mục.

Đặc biệt, trong thời gian từ 2013 đến thời điểm kiểm tra, Trung tâm vùng Nam Bộ đã ký 569 hợp đồng để thực hiện đánh giá chứng nhận hợp quy và cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 5.141 sản phẩm. Hiện tại đang tiến hành chứng nhận chất lượng cho 318 sản phẩm.

Giá trị hợp đồng ký kết là hơn 34 tỷ đồng, chưa tính kinh phí chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm nhập khẩu và giám sát chứng nhận hợp quy. Số liệu tài chính kiểm tra tại sổ cái tài khoản chi phí của đơn vị với các nguồn thu và các khoản thu khác đã phát hiện có sự chênh lệch, có dấu hiệu để ngoài sổ sách, không hạch toán vào hệ thống quản lý tài chính…

Với Công ty Cổ phần Chứng nhận và giám định Vinacert, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng đã “vạch trần” hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng, bao gồm: 4 chuyên gia đánh giá không có đủ năng lực; Trưởng phòng Thử nghiệm đồng thời là chuyên gia đánh giá chứng nhận thuộc Phòng Chứng nhận chất lượng (ông Nguyễn Văn Thắng) là không độc lập trong hoạt động chứng nhận hợp quy và hoạt động thử nghiệm. Công ty Vinacert thực hiện hoạt động chứng nhận hợp quy phân bón và ban hành các quyết định chứng nhận cho 32 sản phẩm phân bón của 10 công ty sản xuất phân bón không đúng pháp luật.

 Không những sai phạm trong chứng nhận phân bón, Vinacert còn "chào khống" giấy VietGap.

Công ty này cũng để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trực tiếp gửi mẫu đến phòng thử nghiệm để phân tích. Cấp chứng nhận hợp quy cho 2 sản phẩm không có tên trong danh mục phân bón được sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (Hudavil Tiến Thành 1 và Hudavil Tiến Thành 2).

Ngoài ra, còn nhiều sai phạm trong cấp chứng nhận hợp quy cho 36 loại phân bón của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con cò vàng.

Kết luận thanh tra còn chỉ rõ, công ty này có dấu hiệu vi phạm hình sự và nhiều sai phạm khác: Đơn vị khẳng định không cấp chứng nhận hợp quy cho 36 sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con cò vàng; ban hành chứng nhận cho 32 sản phẩm phân bón của 10 công ty trái pháp luật, chứng nhận hợp quy cho 166 sản phẩm của 38 công ty phân bón không đúng quy định, giả chữ ký của người lấy mẫu, chuyên gia; khu vực sản xuất rất mất vệ sinh và bụi bẩn. Thiết bị sản xuất gồm: 1 chảo trộn, 1 hệ thống sấy bằng than, 1 máy trộn (kiểu bê tông)...

Theo đoàn thanh tra, hành vi này cần được làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật hình sự nên đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Không dừng lại ở đó, thời gian qua, việc ngang nhiên kê khống, chào bán chứng nhận VietGap của Vinacert, quy trình "nhảy cóc" được tư vấn công khai đã bị phanh phui với mức giá từ 45 – 90 triệu (tùy mức độ "khai khống"), đã khiến dư luận hết sức hoang mang. Điều đặc biệt là khi tư vấn chọn dịch vụ đánh giá chứng nhận VietGap, nhân viên của VinaCert mách một cách đơn giản là nếu trang trại không có lúa chỉ cần mượn trang trại lúa bên cạnh.

Sau khi kiểm tra, Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT đã xác nhận hành vi vi phạm chào bán chứng nhận VietGap của Vinacert và lập tức đình chỉ đơn vị này một năm không được tham gia cấp giấy chứng nhận này. Tuy nhiên dưới góc độ của người tiêu dùng và của cơ quan kiểm tra liên ngành thì mức phạt này là quá nhẹ. 

Có thể nói, bằng quyết định hủy giấy phép của Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ và Vinacert nêu trên, cùng với việc thu hồi lại tất cả các Giấy chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm phân bón vô cơ đã cấp ngoài phạm vi được chỉ định, trên thị trường sẽ có hàng ngàn sản phẩm phân bón bị “lộ” chân tướng không đạt tiêu chuẩn vốn đã được Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ cấp trái phép. 

Đây là cơ sở pháp lý để các ngành chức năng xử lý, loại bỏ được những doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà con nông dân. Đồng thời, quyết định này của Bộ Công thương cũng giúp người tiêu dùng lựa chọn được đơn vị chứng nhận có uy tín, tránh các thiệt hại không đáng có từ sự tắc trách của một số tổ chức chứng nhận hoạt động thiếu nghiêm túc.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang