Thâm nhập giới đánh hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam (Bài 4)

author 07:46 23/09/2013

(VietQ.vn) - A Bắc còn bật mí thêm, đứng đằng sau gã còn có cả những “ông trùm” với hàng loạt chân rết từ Quảng Châu về tới Việt Nam.

Sự kiện:

Kỳ IV: Quyền lực ngầm “Tai VIP” giữa kinh đô hàng lậu

Sự khỏe mạnh, chăm chỉ, tháo vát của A Lù là đặc trưng chính nghề “tai” ở Quảng Châu. Sự chăm chỉ, thật là cũng chính là điều kiện tiên quyết để dân buôn lựa chọn để giao phó cả chuyến hàng cho “tai”. Thế nhưng, ở đây còn có một bộ phận “tai VIP”, số tai VIP này không nhiều nhưng lại sở hữu một thế giới ngầm với đầy đủ quyền lực trong tay. Thậm chí, những “tai VIP” này còn có thể chi phối, điều hành hàng lậu Quảng Châu ở tận Việt Nam.

Chân dung "Tai VIP”

Sau khi thoát khỏi khu chợ 13 với khá nhiều hàng hóa trong tay, A Lù giúp chúng tôi vận chuyển toàn bộ số hàng đó về tận phòng của khách sạn. Ngắm nghía một lúc những chiếc quần jean khá đẹp và tỏ ra hài lòng với những sự lựa chọn đó. Tuy nhiên, dường như Lan vẫn chưa muốn dừng lại, cô bàn với A Lù ngày mai sẽ đến một số khu chợ khác để mua “hàng hiệu”, mà theo Lan thứ hàng này mới thật sự mang đến siêu lợi nhuận, còn những thứ hàng chợ ở khu chợ 13 chỉ chỉ là thứ cần nhưng chưa đủ. Tính thế nên Lan quả quyết, cả bọn tối nay sẽ đi ngủ sớm để ngày mai theo chân A Lù đi thêm một số khu chợ khác đẳng cấp hơn chợ 13 để mua hàng, trước khi về nước.

Cảnh mua bán hàng hóa tập nập ở Quảng Châu

Có một điều khá bất ngờ mà chúng tôi không tính trước, đó là sáng hôm sau khi vừa mới thức dậy, A Lù chưa kịp đến thì lễ tân khách sạn gọi điện lên bảo có người xin gặp. Cả 3 ngạc nhiên vì mấy ngày ở đây, chúng tôi đã quen biết với ai đâu, trong 3 đứa cũng chả có ai có bạn hay người quen ở bên này. Ai mà lại đến gặp chúng tôi vào giờ này nhỉ? Cả 3 đều có chung câu hỏi đó. Dù đặt ra nhiều thắc mắc, nhưng chúng tôi vẫn đồng ý gặp vị khách không mời, biết đâu từ người này mà mình có thể tìm được những mối hàng vừa ý.

Chừng 5 phút sau, lễ tân dẫn lên phòng một người đàn ông nhỏ thó, da ngăm đen, trông chừng rất nhanh nhẹn, tháo vát. Nhìn khuôn mặt người này đủ biết họ là người Trung Quốc, tuy nhiên lại nói tiếng Việt rất sõi. Vừa mới vào phòng, gã đàn ông trạc ngoài 40 tuổi này tự giới thiệu, anh ta tên là A Bắc, người Quảng Châu, anh ta cũng là một tai nổi tiếng ở đất này.

Sau phần giới thiệu, A Bắc đưa ra những lời chào mời rất hấp dẫn về các mối hàng mà gã đang nắm giữ. Trong lời nói của gã, những mối hàng mà gã nắm trong tay luôn rẻ nhất “quả đất” và chắc chắn là rẻ nhất Quảng Châu. A Bắc bật mí thêm, anh ta không bao giờ đánh hàng cho khách lẻ, đẳng cấp của một “tai” như anh ta, đối tác luôn là những khách hàng siêu bự.

Vừa nói, A Bắc vừa mở chiếc túi ni lông căng phồng của gã, bên trong chứa nhiều mẫu quần áo và giày dép. Lan phát hiện ra có 2 mẫu khá giống với những gì đã mua trước đó ở chợ 13, nhưng rẻ hơn cô mua gần một nửa. “Giá đó dành cho những đơn hàng từ 300 đến 1000 chiếc, đặt càng nhiều càng rẻ. Hàng tháng chúng tôi sẽ chủ động gửi catalogue, các bạn chỉ việc chọn mẫu và số lượng, đúng hạn sẽ giao hàng”, A Bắc nhanh nhảu nói.

A Bắc còn bật mí thêm, đứng đằng sau gã còn có cả những “ông trùm” với hàng loạt chân rết từ Quảng Châu về tới Việt Nam. Đội ngũ hùng hậu này sẽ “ôm” luôn phần đặt hàng, chuyển hàng về đến tận dân buôn ở Việt Nam. Cứ ngỡ chúng tôi là khách bự, “tai VIP” này hẹn dẫn chúng tôi đến gặp “ông trùm” vào sáng sớm hôm sau.

A Bắc vừa đi thì cũng là lúc A Lù tới, nghe chúng tôi kể về sự xuất hiện đột ngột của A Bắc, mặt A Lù chợt biến sắc và méo xệch. Gã thì thào giải thích: “Ở Quảng Châu có một đội ngũ “chim lợn” chuyên “đánh hơi” những khách hàng lớn rồi bán thông tin lại cho các đại lý. A Bắc là một trong những “tai” “khủng” ở Quảng Châu, rất có tiếng, sở hữu mối liên hệ mật thiết với hàng loạt hãng xưởng lớn”.

"Vòi bạch tuột" vươn sang thị trường Việt

Sáng hôm sau, khi trời vừa tảng sáng, A Bắc đã chờ sẵn chúng tôi ở cửa khách sạn, lúc này Lan vẫn còn ngủ, chỉ có tôi với Tuân lặng lẽ theo Bắc gặp “ông trùm”.

Trên đường đi, A Bắc khoe luôn mối quan hệ với gần 20 xưởng sản xuất lớn, tập trung chủ yếu ở Quảng Châu, Thẩm Quyên và Đông Quảng. Mỗi xưởng có thể cho ra lò 1 vạn sản phẩm trong vòng 15 ngày. Riêng với những sản phẩm do chính khách hàng tự tay mang tới, cứ cộng thêm 3 ngày để “nhái” theo. “Nếu là quần bò, một công nhân của chúng tôi có thể may được 50 cái/ngày. Mỗi xưởng ít nhất 200 công nhân nên các anh chị đặt bao nhiêu chúng tôi cũng có thể lo được, không thiếu một chiếc”, A Bắc khẳng định.

Theo chân A Bắc, tôi được sắp xếp gặp sếp của anh ta, một đầu nậu hàng Trung Quốc, người tự tin có thể chi phối toàn bộ nguồn cung cấp hàng Trung Quốc cho thị trường Việt Nam. Tôi choáng váng khi biết đó là một người Việt Nam, nam giới, tên K. khoảng 45 tuổi. Dưới quyền người này là hệ thống đông đảo “tai” VIP, trải rộng từ Thẩm Quyến đến Quảng Châu. Ngoài mặt hàng thời trang, linh kiện điện tử, linh kiện cơ khí, K. còn chi phối được cả những mặt hàng hoa quả và nông sản.

K.khá cởi mở, đón tiếp tôi như một khách quý thực thụ và đưa card. Tấm card lòe loẹt và thơm phức, in luôn chân dung của K. theo lối hoạt hình, trên ghi chú: “Nhận đánh hàng chuyến, đặt hàng số lượng lớn, bán sỉ và lẻ tất cả các mặt hàng may mặc, cơ khí, điện tử và nông sản”. Điều đặc biệt, trên danh thiếp của K. ghi luôn 3 thứ tiếng Anh – Việt – Trung để tiện giao dịch. Điều đó cho thấy, khách hàng của K. không chỉ gói gọn là dân buôn Việt Nam mà còn có cả những người ở tận trời Tây.

Ngoài ra theo K., công ty anh cũng cung cấp luôn dịch vụ “tai”, phòng nghỉ, ăn uống và đi lại cho khách Việt. Hệ thông “vòi bạch tuộc” của công ty anh có khắp các thành phố lớn tại Việt Nam. Đặc biệt hơn cả, anh ta có thể chuyển hàng về nước qua bất cứ cửa khẩu nào, không chỉ gói gọn ở Tân Thanh và Hữu Nghị của Lạng Sơn. Cũng được cho là ưu việt hơn công ty Đ., gói dịch vụ chuyển tiền của K. không cần khách phải gửi tiền trước. “Bất cứ khi nào đại lý bên tôi báo đã nhận tiền, các anh ở đây cũng sẽ có tiền”, K. nói. 

“Tai VIP” góp phần định hướng thị hiếu thời trang Việt?

Vì luôn phải làm việc với những đơn hàng thời trang khổng lồ, nên ngoài kỹ năng tiếp thị buôn bán, A Bắc còn có hiểu biết tốt về thời trang. “Các khách hàng lớn nhất của tôi đều đến từ Việt Nam, chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên thi thoảng tôi vẫn qua đó để quan sát gu thẩm mỹ rồi tư vấn cho khách. Tôi cũng thường xuyên đi chợ để nắm bắt các mẫu hàng mới”, người “tai” VIP nói.

Theo tiết lộ, tổng lượng hàng qua tay A Bắc về Việt Nam là rất lớn. Có những khách hàng đều đặn từ 3 năm nay, mỗi ngày đều đóng về 20 đến 30 bao hàng, mỗi bao nặng khoảng 100kg. Có người để nguyên tem mác Trung Quốc nhưng cũng có người yêu cầu gắn mác “Made in Vietnam” để bán trong các cửa hàng Việt Nam xuất khẩu.

A Bắc tự tin khoe rằng có thể phần nào định hướng được thị hiếu thời trang ở thị trường Việt Nam. (Còn nữa).

Nhóm Phóng viên - CTV Pháp luật

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang