'Rừng vàng biển bạc', vì sao Việt Nam không giàu?

author 14:10 02/02/2014

TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright cho biết, trên thế giới rất nhiều quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng không giàu, ngược lại nhiều nước điều kiện tự nhiên chẳng hề thuận lợi nhưng lại giàu. Việt Nam ta là một ví dụ sinh động, dễ thấy.

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, điều kiện tự nhiên của ta được thiên nhiên ưu đãi rất tốt. Con người Việt Nam rất thông minh, cần cù và sáng tạo nhưng dân tộc ta chưa bao giờ giàu có.

"Ở đây góc nhìn của tôi không cho rằng do cơ chế quan liêu bao cấp hay cái gì đó ảnh hưởng bởi trước đó chúng ta cũng chưa hề giàu có mà. Và ngay cả miền Nam Việt Nam trước năm 1975 cũng chưa phải là giàu. Đó chỉ là nền kinh tế chiến tranh nhờ viện trợ bên ngoài. Sự phồn thịnh chỉ ở hình thức chứ chưa có nền tảng công nghiệp gì cả.

Vì vậy, nếu nói thể chế quyết định cho thành công hay thất bại của một quốc gia, tức giàu hay nghèo, thì từ xưa đến nay, từ thời phong kiến cho đến giai đoạn cơ chế thị trường mở cửa như hiện nay, chúng ta luôn gặp vấn đề ở thể chế", TS Nguyễn Xuân Thành nói.

Chúng ta sẽ hết tất cả dầu khí, không còn than hay quặng nữa. Lúc đó Việt Nam phát triển bằng tiền?

Trước đó, trên tờ TuanVietNamnet, GS. TSKH Phan Trường Thị, Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia HN từng cho biết, người dân cũng chán các bài ru ngủ kiểu "rừng vàng biển bạc" vì họ không thấy được lợi gì nhiều.

GS Phan Trường Thị lấy dẫn chứng như chuyện dầu khí chẳng hạn, trước mình nhìn nó ghê gớm lắm, thế nhưng, bây giờ ai cũng hiểu, muốn có dầu, chúng ta phải chìa vai ra cùng gánh.

"Thời kì dùng tài nguyên để ru ngủ đã qua rồi", GS Phan Trường Thị nhấn mạnh.

Theo ông, một số người cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên tạm dừng khai thác tài nguyên để đầu tư vào con người... Có tài nguyên trong tay thì mình cứ khai thác, nhưng phải thay đối phương cách quản lý. Các cơ quan quản lý cứ việc quản lý, còn thực hiện hoạt động sản xuất thì để các công ty làm.

Riêng về vấn đề khai thác than thời gian vừa qua, Cục địa chất khoáng sản (Bộ TNMT) cho biết, năm 2010 cả nước có 5000 giấy phép khai khoáng được cấp cho 2.000 doanh nghiệp, nhiều giấy phép khai khoáng đã được bán cho doanh nghiệp Trung Quốc, có khoảng 60% doanh nghiệp bán giấy phép cho doanh nghiệp nước ngoài... Như vậy, tài nguyên khoáng sản đang bị bán rẻ, bị khai thác một cách tàn bạo và môi trường bị xâm hại.

Trả lời câu hỏi liệu có mục đích đằng sau những thương vụ này là nhằm thao túng, kiểm soát ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam hay không, TS Nguyễn Thành Sơn cho biết “lợi ích nhóm” và “tư duy nhiệm kỳ” là rõ.

"Hai thực trạng bán giấy phép và xuất khẩu lậu khoáng sản về bản chất chỉ là một, đều có mẫu số chung giống nhau là do chúng ta hành xử với tài nguyên khoáng sản theo kiểu “chộp giật”, rất thiếu trách nhiệm với tương lai, rất không bền vững đối với hiện tại" TS Nguyễn Thành Sơn nói.

Theo TS Sơn, câu hỏi quan trọng hơn là “chúng ta phải làm như thế nào?”, cụ thể là phải minh bạch về tài nguyên khoáng sản.

Mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng từng đưa ra những thông tin đáng lo ngại như, đến 2020 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu toàn bộ than nếu không khai thác than ở ĐB sông Hồng bởi than Quảng Ninh sắp hết nhưng nếu khai thác than ở ĐB sông Hồng thì chứa đầy rủi ro. Dầu khí đang giảm dần từ 20 xuống 18 rồi 17 triệu tấn/năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại: “Nhưng đến một ngày nào đó chúng ta sẽ hết tất cả dầu khí, không còn than hay quặng nữa. Lúc đó Việt Nam phát triển bằng gì? Sẽ in tiền à?”, Bộ trưởng KH-ĐT đặt câu hỏi.

 

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang