"Siết" công nghệ cũ, đầu tư công nghệ mới cho doanh nghiệp

author 07:58 31/10/2012

(VietQ.vn) - Các Doanh nghiệp (DN) có nhu cầu đổi mới công nghệ thể hiện qua các đề án, dự án cụ thể sẽ được Bộ KH&CN xem xét và hỗ trợ để tái đầu tư.

Ảnh minh họa

Từ ngày 16/11/2012, các công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu; gây ra chất thải nguy hại đối với con người, hệ sinh thái và môi trường; công nghệ gây lãng phí tài nguyên, khoáng sản… sẽ bị xếp vào Danh mục công nghệ  (DMCN) cấm chuyển giao.

Đây là nội dung được Bộ KH&CN quy định tại Thông tư số 18/2012/TT-BKHCN hướng dẫn tiêu chí và quy trình xác định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ (DMCN) khuyến khích chuyển giao, DMCN hạn chế chuyển giao, DMCN cấm chuyển giao, để làm căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung các danh mục này theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008.

Bên cạnh đó, các công nghệ tạo ra các sản phẩm truyền thống có tính bản sắc dân tộc cao; công nghệ sản xuất theo kinh nghiệm, bí quyết truyền thống hoặc sử dụng các chủng loại giống, khoáng sản, vật liệu quy hiếm đặc trưng của Việt Nam… được đưa vào DMCN hạn chế chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài.

Đồng thời, các công nghệ sử dụng máy móc, thiết bị cũ, không tiết kiệm năng lượng; công nghệ tạo ra các sản phẩm sử dụng chất hóa học độc hại, tạo ra sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen hay có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người… sẽ được xếp vào DMCN hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, Thông tư cũng đưa ra các chỉ tiêu xác định công nghệ thuộc Danh mục khuyến khích chuyển giao từ ngước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có tính vượt trội; tạo ra ngành nghề sản xuất, chế tạo, nuôi trồng sản phẩm mới chưa có ở Việt Nam; sản xuất năng lượng sạch, thân thiện môi trường, có hiệu quả kinh tế cao…

Cũng theo Thông tư, định kỳ, trước ngày 30/04 hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước để thẩm định các hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung các DMCN nêu trên.

Các doanh nghiệp (DN) sẽ được hỗ trợ đầu tư công nghệ mới

Với các doanh nghiệp khó khăn về vốn, ít có điều kiện đầu tư được công nghệ hiện đại, Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, sẽ có cơ chế hỗ trợ đầu tư.

Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có số liệu đầy đủ và chính xác để đánh giá được bao nhiêu % công nghệ nước ta hiện có là hiệu quả và bao nhiêu % là kém hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đa phần các công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả thường được các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ đầu tư, sử dụng. Các doanh nghiệp đó do năng lực tài chính, nguồn nhân lực yếu kém…chính vì vậy, họ đã đầu tư sử dụng nhiều công nghệ, thiết bị có chi phí thấp và hiệu quả không cao.

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực KH&CN để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020, các Chương trình quốc gia liên quan đến KHCN như: Chương trình Đổi mới Công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao... Các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, thể hiện thông qua các đề án, dự án cụ thể sẽ được Bộ KH&CN xem xét và hỗ trợ để có cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, nhà nước cũng đã có những hỗ trợ ưu đãi khác cho doanh nghiệp khi đổi mới và chuyển giao công nghệ, như cho phép doanh nghiệp khấu trừ 10% lợi nhuận trước thuế để hình thành quỹ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp mình; với không ít các dự án còn được ưu đãi, giảm thuế đất, chi phí sử dụng hạ tầng...

Nguyễn Nam

Uyên Chi
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang