Sơ cứu người bị ngộ độc dứa nhanh chóng

author 06:12 28/10/2015

(VietQ.vn) - Bản thân quả dứa không có độc, nhưng một số người sau khi ăn dứa bị nôn mửa, khó chịu, ngộ độc là do dị ứng với nấm Candida trepicalis nắm ở những mắt của quả dứa.

Sự kiện: Mẹo vặt gia đình

Dứa là một loại quả giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa, và hơn 80 loại chất dinh dưỡng khác. Do chứa nhiều nước, lại vừa ngọt vừa thơm nên ai cũng thích loại quả này. Đặc biệt, chất chống oxy hóa có rất nhiều trong dứa đóng một vai trò cực kì quan trọng đối với cơ thể, có tác dụng chống lại các gốc tự do của những tế bào gây hại cho cơ thể. Từ đó có thể phòng tránh được rất nhiều các bệnh nguy hiểm như các loại bệnh ung thư, bệnh xơ vữa động mạch, đau tim.

Bản thân quả dứa không có độc, nhưng một số người sau khi ăn dứa bị nôn mửa, khó chịu, ngộ độc là do dị ứng với nấm Candida trepicalis nằm ở những mắt của quả dứa, nhất là những quả đã bị dập nát do trong quá trình gọt dứa không cắt kĩ những mắt này đi. Hoặc dứa dập nên loại nấm đó xâm nhập vào trong quả dứa. Do đó, nên cẩn thận khi ăn dứa, đồng thời biết cách sơ cứu ngộ độc dứa để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Sơ cứu ngộ độc dứa

Nên biết cách sơ cứu ngộ độc dứa để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra

Triệu chứng ngộ độc dứa

Biểu hiện dị ứng, ngộ độc sau khi ăn dứa là đau bụng quằn quại dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy, thường kèm theo triệu chứng ngứa ngáy toàn thân; miệng lưỡi tê dại có cả chảy mồ hôi, khó thở, nổi mề đay. Nghiêm trọng hơn, có người còn bị sốc do cơ địa quá nhạy cảm, biểu hiện da lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do men phân giải protein có trong dứa. Loại men này làm tăng sức thẩm thấu của niêm mạc dạ dày và dẫn đến protein dị tính đại phân tử có trong đường ruột, dạ dày thấm vào dịch máu gây phản ứng đối với cơ thể người quá nhạy cảm.

Cách sơ cứu ngộ độc dứa

Cách sơ cứu cho người bị ngộ độc dứa chủ yếu là phải gây nôn cho người đó càng sớm càng tốt. Sau đó cho nạn nhân uống nước chè đường. Sau khi đã thực hiện xong thao tác sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, hiệu quả.

Sơ cứu ngộ độc dứa

Cần tiến hành sơ cứu ngộ độc dứa ngay khi thấy các triệu chứng

Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ truyền dịch cho nạn nhân tùy theo tình trạng mất nước do nôn mửa và tiêu chảy, nhưng cần lưu ý trụy mạch còn do sốc dị ứng, có khi không mất nước mà vẫn trụy mạch. Nếu cần, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương mà truyền dịch.

Cách phòng tránh ngộ độc dứa

Để tránh dị ứng, sau khi gọt vỏ dứa xong hãy cắt thành từng miếng rồi cho vào nước muối nhạt ngâm trong khoảng 10 phút, men phân giải protein sẽ bị ức chế trong nước muối. Ngâm như vậy cũng sẽ không bị rát lưỡi khi ăn dứa mà còn có thể làm giảm kích thích niêm mạc miệng và lưỡi, đồng thời sẽ thấy dứa thơm, ngọt hơn. Bên cạnh đó, dưới tác dụng của nhiệt độ khi xào, nấu món dứa thì khả năng gây dị ứng của dứa sẽ không còn kể cả với người mẫn cảm nhất.

Với những người không có cơ địa dị ứng, khi ăn nhiều thịt, cá, để tránh đầy bụng, khó tiêu có thể ăn vài miếng dứa tươi. Dứa sẽ đẩy nhanh việc phân giải abumin có trong thức ăn giúp tiêu hoá tốt hơn.

Khi ăn, phải gọt kỹ các mắt dứa và rửa sạch miếng dứa bằng nước muối. Không nên ăn quả dứa, phần dứa đã bị dập nát. Nên mua những quả bán ở nơi râm mát, sạch, không chất đống ngoài nắng hoặc mưa.

Cách chọn và bảo quản dứa để tránh bị ngộ độc dứa

Nên mua những quả bán ở nơi râm mát, sạch, không chất đống ngoài nắng hoặc mưa. Chỉ chọn những quả lành, không bị dập, không có rệp sáp, vặt bỏ lá ở gốc quả, cắt bằng cuống cách gốc 2cm. Để vào tủ lạnh, không nên để quả 24 giờ vào mùa Hè và 36 giờ vào mùa Xuân.

Ly Ly (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang