Sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Doanh nghiệp dễ bị ‘knock out’ nếu lơ là quy định

author 15:58 11/07/2020

(VietQ.vn) - Theo đánh giá của Bộ Công thương, EVFTA là một trong số ít hiệp định có cam kết về sở hữu trí tuệ rất cao và có nhiều quy định khác biệt so với các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.  

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương, sở hữu trí tuệ (SHTT), chỉ dẫn địa lý là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA và chương SHTT cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong Hiệp định. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật hiện hành của nước ta, ví dụ như vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hay việc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi hiệp định này có hiệu lực…

Bên cạnh đó, ông Khanh cũng cho biết nhiều quy định, khái niệm pháp luật có trong EVFTA chỉ sử dụng ở các nước châu Âu, tại Việt Nam lại chưa dùng đến bao giờ. Chẳng hạn, trong EVFTA có quy định về các căn cứ yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu của Việt Nam nếu nhãn hiệu đó chưa được “sử dụng thật sự”. Song, khái niệm “sử dụng thật sự” chưa tồn tại ở nước ta khiến cho công tác thực thi bảo hộ SHTT trong tương lai sẽ gặp trở ngại.

Hơn thế nữa, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO & Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), quy định về SHTT đã cho thấy rất nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt nhưng việc thực thi bảo hộ SHTT còn khó khăn hơn nữa. Trong EVFTA, sản phẩm mang nhãn hiệu, sáng chế công nghiệp đến từ Việt Nam cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU với mức chi phí khá cao và thủ tục đăng ký phức tạp.

Đáng chú ý, kiểu dáng công nghiệp bảo hộ không chỉ có sản phẩm hoàn chỉnh mà cả linh kiện, bộ phận nhìn thấy được trong quá trình thông thường. Các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền SHTT (TPMs) trong EVFTA mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPMs không chỉ sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê mà còn tàng trữ với mục đích thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy...

 EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo Bộ Công thương, cam kết về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ sở hữu trí tuệ. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ EU vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, SHTT vẫn đang là vấn đề thách thức đối với doanh nghiệp khi thực thi Hiệp định EVFTA, trong trao đổi hàng hóa, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, các quy định về chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ nghiêm minh, thậm chí rất “hà khắc”, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là nguy cơ bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng, mất thị trường… khi doanh nghiệp để xảy ra các vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA sâu hơn, đáng kể so với chuẩn mực trong Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trên thực thế, từ trước đến nay, hầu hết các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đều ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ. Điều này cần phải điều chỉnh trong thời gian rất gấp, bởi thời hạn thực thi EVFTA đã gần kề. Nếu doanh nghiệp lơ là các quy định về SHTT sẽ có thể bị ‘knock out’ ngay chính trên sân nhà, ông Thành khuyến cáo.

Theo Bộ Công Thương, trong nội dung thực hiện các cam kết giữa hai bên, về mặt sở hữu trí tuệ, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (Việt Nam đề nghị 41 chỉ dẫn địa lý và được EU chấp nhận 39 địa chỉ). Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến: Chiếm 15%, thủy sản và chế biến từ thủy sản: 13%, sản phẩm khác: 13%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bảo hộ tới 169 chỉ dẫn địa lý của EU. Các sản phẩm được bảo hộ chứng nhận chỉ dẫn địa lý của EU sản phẩm chủ yếu là rượu và phomat, rất ít các sản phẩm tươi sống.

Giá trị của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm tại thị trường EU(VietQ.vn) - Thực tế cho thấy, nếu hàng hóa Việt Nam được EU cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi EVFTA có hiệu lực, giá trị sản phẩm tăng gấp nhiều lần. Đơn cử, khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong có giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%...

 Hà Thanh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang