Sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học đúng mục đích

author 06:46 03/01/2014

Đối thoại với các tài năng trẻ Việt Nam chiều 23/12/2013 tại Hà Nội, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Nguyễn Quân thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam có đội ngũ nhân lực KH và CN khá hùng hậu, với khoảng 18 nghìn tiến sĩ, 10 nghìn phó giáo sư, hơn 36 nghìn thạc sĩ.

Chi cho hoạt động KH và CN chiếm 2% trong tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến ứng dụng KH và CN, cơ quan nhà nước gần như chưa làm tròn trách nhiệm với KH và CN, việc sử dụng kinh phí trong hoạt động nghiên cứu KH và CN chưa hiệu quả...

Vẫn biết đầu tư cho KH và CN tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiệu quả hoạt động KH và CN phụ thuộc nhiều nhân tố và được tính toán bằng nhiều chỉ tiêu và góc độ khác nhau. Song hiệu quả chung của hoạt động KH và CN thấp luôn có một lý do quan trọng là kinh phí sử dụng không đúng mục đích, đối tuợng.

Năm 2012, NSNN dành khoảng 15 nghìn tỷ đồng chi cho KH và CN, thì 90% trong số này để duy trì bộ máy các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước, với hơn 60 nghìn người làm nghiên cứu khoa học và 1.600 tổ chức KH và CN từ trung ương đến địa phương và đầu tư trang thiết bị..., chỉ 10% (tức 1.500 tỷ đồng) dành cho hoạt động nghiên cứu bao gồm tất cả các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ đến cấp tỉnh, cấp cơ sở...

Theo số liệu được công bố tại Hội thảo "Hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam" diễn ra mới đây, trong tổng số 451 tỷ đồng ngân sách sự nghiệp môi trường chi cho các bộ và các cơ quan trung ương khác năm 2010, có đến 90,12% được chuyển vào tài khoản của các bộ. Con số này của năm 2012 thậm chí còn lên đến 93,38%. Phần ít ỏi còn lại được phân bổ cho các đoàn thể chính trị, các viện, trường đại học quốc gia và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA.

Hơn nữa, tiền ít, nhưng khi phân bổ về địa phương, thì như Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, gần một nửa bị chi sai mục đích, số còn lại chi dàn trải, hiệu quả không cao. Trên thực tế, nhiều địa phương do eo hẹp nguồn NSNN, phải "co kéo" sử dụng một phần tiền chi cho KH và CN để làm đường vành đai, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt...

Cán bộ khoa học hiện là giới duy nhất trong tất cả các ngạch công chức, viên chức không có phụ cấp và chế độ ưu đãi gì, ngoài lương cơ bản và kinh phí nghiên cứu đề tài được cấp (nếu có). Vậy mà những khoản kinh phí đề tài khiêm tốn mà họ nhận lại thường bị rơi rụng và teo tóp trong quá trình quản lý bởi những "lệ làng" bất thành văn.

Công luận đang bức xúc về câu chuyện một nhà khoa học gửi đơn xin thôi làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước do bị gợi ý trích lại từ 50 đến 60% kinh phí viết chuyên đề nghiên cứu khoa học cho cơ quan chủ trì đề tài dùng cho các việc: bảo vệ, hội đồng, "đi cảm ơn", quản lý phí, kiểm toán, thanh tra; đóng góp các quỹ như đời sống, công đoàn, dự phòng, rủi ro... Nếu chấp nhận tỷ lệ này, chắc chắn sau đó nhà khoa học và những nguời cộng sự sẽ buộc phải ký một loạt hóa đơn và chứng từ giả để thanh quyết toán, cũng như sẽ phải dựng lên các kết quả đề tài sai thực tế...

Ðặc điểm hoạt động KH và CN và yêu cầu hội nhập quốc tế đang đòi hỏi đột phá mạnh mẽ và thực chất cơ chế quản lý KH và CN, trọng tâm là cơ cấu lại các nội dung nhiệm vụ chi cho KH và CN, đặc biệt là đổi mới cơ chế tài chính; theo đó, cần ưu tiên các đề tài có tính ứng dụng cao hoặc nghiên cứu lý thuyết thiết thực, giảm tình trạng đầu tư cắt khúc hoặc dàn trải; coi trọng nhiệm vụ chi cho xã hội hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH và CN; có chính sách ưu đãi cụ thể với cán bộ khoa học thật sự có tài năng, tâm huyết và nghiêm túc trong KH và CN; hình thành các nhóm, trường phái KH và CN; hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ, giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu, quyền sử dụng, để được bảo hộ...

Ðặc biệt, cần chuyển mạnh sang việc cấp và quản lý kinh phí KH và CN theo cơ chế quỹ phát triển KH và CN, đấu thầu, đặt hàng và khoán chi thực chất đến sản phẩm cuối cùng; khắc phục tình trạng định mức chi thì thấp, nội dung chi không đầy đủ, thủ tục chi quá phức tạp, thiếu khung mức chi cho các nhiệm vụ, mục tiêu đầu tư phát triển ở lĩnh vực KH và CN và quản lý hành chính có liên quan, cùng các chế tài nghiêm ngặt xử lý các vi phạm, nhằm minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ tình trạng hành chính hóa việc làm khoa học, hiện tượng buộc nói dối, tình trạng "cai đầu dài", "ăn chặn", thất thoát và tiêu cực trong quản lý kinh phí chi cho hoạt động KH và CN; bảo đảm chi đúng mục đích và nâng cao hiệu quả hoạt động KH và CN, tôn vinh và giúp các nhà khoa học không nản lòng, an tâm, thanh thản và có thể sống bằng trí tuệ và kết quả nghiên cứu của mình, cống hiến cho sự nghiệp phát triển nền KH và CN Việt Nam...

Theo Nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang