Tại sao ăn măng lại gây tắc ruột, những ai cần tránh?

author 06:19 02/04/2019

(VietQ.vn) - Từ trước tới nay việc ăn măng gây tắc ruột phải nhập viện phẫu thuật không còn là chuyện hiếm, có trường hợp còn suýt tử vong.

Trường hợp xảy ra mới đây nhất là bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân cho biết, gia đình bán măng khô nên thường xuyên ăn. Nhưng sau một lần ăn măng bệnh nhân thấy đau bụng dữ dội.

Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cấp cứu với triệu chứng đầy bụng, ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ nóng rát vùng thượng vị.

Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột, chỉ định nội soi gắp bã thức ăn ra khỏi dạ dày. Khi mổ các bác sĩ đã lấy ra được một lượng lớn chất xơ bị tắc lại, trong đó có nhiều miếng măng khô chưa được tiêu hóa. Được biết, trước khi vào viện một tuần, ông ăn khoảng 200 g măng, do răng đã rụng nhiều nên không nhai được kỹ. 

Ăn măng nên thận trọng kẻo bị tắc ruột

Ăn măng nên thận trọng kẻo bị tắc ruột 

Bác sĩ Vũ Huy Hiền, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng cho biết, không thể cắt nhỏ được khối bã thức ăn để những miếng nhỏ này đi xuống ruột mà phải nội soi gắp từng mảnh nhỏ ra. Sau một giờ rưỡi làm thủ thuật, các bác sĩ lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân khoảng 100 gram măng.

Bác sĩ Hiền thông tin thêm, nếu không gắp kịp thời măng sẽ gây viêm loét dạ dày hoặc trôi xuống ruột gây tắc ruột nguy hiểm

Tương tự, trước đó, ông Nguyễn Văn K. (78 tuổi ở Hà Nội) có thói quen ăn nhiều chất xơ để tốt cho tiêu hóa, đặc biệt món khoái khẩu của ông là măng khô.

Một lần tự dưng ông bị đau bụng, nôn, bí trung đại tiện... đi cấp cứu bác sĩ chẩn đoán tắc ruột phải mổ khẩn cấp. Khi mổ các bác sĩ đã lấy ra được một lượng lớn chất xơ bị tắc lại, trong đó có nhiều miếng măng khô chưa được tiêu hóa.

Xương trẻ bị giòn và thoái hóa sớm nếu mẹ cho dùng điện thoại nhiều(VietQ.vn) - Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, trẻ nhỏ chơi điện thoại quá nhiều có nguy cơ bị thoái hóa xương sớm hơn bình thường.

Theo các bác sĩ, bổ sung chất xơ rất cần thiết không chỉ người già mà ngay cả người trẻ. Tuy nhiên, người già chức năng tiêu hóa kém, răng yếu nên cần lựa chọn những chất xơ dễ tiêu như rau quả.

Măng nhất là măng khô có nhiều đoạn già hóa gỗ rất khó tiêu hóa nên người già không nên ăn nhiều. Khi ăn người già nên lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa, cắt nhỏ hoặc nấu mềm, tránh ăn các chất xơ dai, già như măng kẻo dẫn tới rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc ruột như hai trường hợp trên.

Theo bác sĩ Hiền, khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi... và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, rau muống, cam, bưởi, quýt, mít, ngô...

Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật tạo thành khối bã rắn chắc. Thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.

Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân... dẫn tới tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo, trước khi ăn các món có nhiều nhựa như ổi, hồng ngâm, măng khô, cần phải ăn khi no. Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, mọi người cần lưu ý cách ăn uống, đặc biệt là một số đối tượng dưới đây cần thận trọng khi ăn măng:

Trẻ tuổi dậy thì

Măng tre chứa một lượng lớn chất khó tiêu hóa là cellulose và axit oxalic. Khi kết hợp với canxi, sắt và kẽm, chúng sẽ tạo thành chất phức hợp làm cơ thể khó hấp thụ dinh dưỡng. Ăn nhiều măng dẫn đến tình trạng thiếu canxi dẫn đến còi xương và thiếu kẽm gây chậm phát triển nên trẻ em tuổi dậy thì cần hạn chế.

Người bị sỏi thận

Axit oxalic kết hợp với canxi còn có thể tạo ra sỏi thận. Vì vậy, người bị sỏi thận không được ăn măng.

Người mắc bệnh dạ dày, tiêu hóa, xơ gan

Măng là thực phẩm khó tiêu hóa. Với bệnh nhân xơ gan, măng gây khó chịu, làm tổn hại dạ dày và thực quản. Những người mắc bệnh tiêu hóa khi ăn măng sẽ khó tiêu, đầy bụng, trào ngược axit, thậm chí bị chảy máu thành bụng. Người già có hệ tiêu hóa kém cũng được khuyến cáo không nên ăn măng.

Người dùng aspirin thường xuyên

Người dùng thuốc aspirin nếu ăn măng sẽ bị kích ứng đường tiêu hóa, tổn thương niêm mạc dạ dày. Lưu ý, măng chứa độc tố cyanide nên không tốt cho sức khỏe nếu không được chế biến đúng cách. Để loại bỏ chất độc, trước khi nấu, bạn nên luộc, ngâm chua hoặc phơi khô măng. Tuyệt đối không ăn măng sống.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang