Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam phải tiến tới áp dụng TQM?

author 20:52 22/06/2014

(VietQ.vn) - Cả ISO 9000, HACCP, GMP hay xa hơn nữa là TQM chẳng qua cũng chỉ là những phương tiện chứ không phãi là mục đích của các doanh nghiệp. Việc áp dụng các hệ thống đó là để nâng cao chất lượng quản lý, mà chất lượng của quản lý phải được thể hiện ở kết qủa của nó là chất lượng của sản phẩm và dịch vụ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Như chúng ta đều biết, họat động chất lượng đã đi từ kiểm tra sản phẩm đến kiểm soát rồi đảm bảo và quản lý chất lượng mà đỉnh cao hiện nay là hệ thống ISO 9000… Điều đó có nghĩa là sự phát triển của chất lượng cũng tuân thủ qui luật phát triển theo đường xoắn ốc tức là cũng đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ hẹp đến rộng, từ thô sơ đến hoàn thiện và từ cục bộ đến hệ thống. Bây giờ các doanh nghiệp đang có xu hướng thi đua áp dụng và chứng nhận hệ thống đảm bảo chất lượng theo ISO 9000. Đó thật là một điều đáng mừng. Qủa thật giấy chứng nhận ISO 9000 hiện nay có tác dụng rất lớn vừa làm cho nhà sản xuất tự tin hơn và khách hàng, đối tác trong ngoài nước cũng dễ tin họ hơn. ISO 9000 rõ ràng đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những ai sớm có nó. 

Điều gì sẽ xảy ra khi hầu hết các doanh nghiệp đều được chứng nhận ISO 9000? Đây không phải là câu hỏi cần đặt ra và cần một câu trả lời ngay lúc này bởi vì chúng ta chỉ mới bắt đầu áp dụng và chứng nhận ISO 9000 được hơn 10 năm. Việc này sẽ còn phát triển và kéo dài ít nhất năm bẩy, thậm chí hàng chục năm nữa. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nghĩ đến một việc có thể diễn ra trong những năm tới đây. Đó là các nhà sản xuất cùng ngành nghề cùng được chứng nhận ISO 9000. Giả dụ hiện nay chúng ta có 20 công ty xây dựng hàng đầu. Những công ty được chứng nhận ISO 9000 hiện tại rõ ràng sẽ có lợi thế trong đấu thầu xây dựng. Nhưng nếu sau 5 năm nữa hầu hết 20 công ty hàng đầu này đều có ISO 9000 thì điều gì sẽ xẩy ra. ISO 9000 lúc đó sẽ không còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những ai có nó nữa. Và khách hàng lúc đó sẽ lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp nào? Và chắc chắn cái gì mà khách hàng ưu tiên lựa chọn thì cái đó sẽ chính là cái quyết định sự hưng vong của một doanh nghiệp. 

Cái quyết định cuối cùng vẫn là chất lượng của chính sản phẩm và dịch vụ Đúng như vậy. Vì cả ISO 9000, HACCP, GMP hay xa hơn nữa là TQM chẳng qua cũng chỉ là những phương tiện chứ không phãi là mục đích của các doanh nghiệp. Việc áp dụng các hệ thống đó là để nâng cao chất lượng quản lý, mà chất lượng của quản lý phải được thể hiện ở kết qủa của nó là chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Cho nên bất cứ hệ thống chất lượng nào cũng phải giúp cho doanh nghiệp đạt được mục đích cuối cùng của họ là chất lượng sản phẩm và dịch vụ luôn thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên không phải hệ thống chất lượng nào cũng có công dụng như nhau. Ví dụ như HACCP hay GMP chỉ áp dụng để đảm bảo chất lượng và an toàn cho thực phẩm và dược phẩm. ISO 9000 là để kiểm soát quá trình sản xuất và đảm bảo niềm tin ban đầu cho khách hàng là doanh ngiệp của bạn có thể cung cấp những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng ổn định như đã thỏa thuận chứ ISO 9000 không mặc nhiên đảm bảo thành công cho bạn trong sản xuất và kinh doanh. Còn TQM nếu được áp dụng đúng đắn sẽ tạo ra được một nội lực thúc đẩy mạnh mẽ việc cải tiến liên tục chất lượng sản phẩm và dịch vụ để không ngừng thỏa mãn khách hàng. Vì vậy, để tự tin ở thế kỷ 21, các doanh nghiệp Việt nam không thể không áp dụng TQM, cho dù họ có hay không có chứng chỉ ISO 9000. 

Việc nhà sản xuất tự công bố về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình theo hướng dẫn của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng là một bước quan trọng để nhà sản xuất ý thức rõ hơn về sản phẩm và dịch vụ của mình. Muốn được tự công bố cũng phải có một cơ sở nào đó đảm bảo, ví dụ như phải có ISO 9000, HACCP, GMP, Giải thưởng chất lượng hay áp dụng TQM, chứ không phải muốn công bố gì cũng được. 

Chất lượng sản phẩm và dịch vụ phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường. Do sự phát triển mạnh mẽ của các ngành sản xuất công nghiệp, sự bùng nổ dân số, sự khai thác vô tội vạ các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà trái đất - ngôi nhà chung của loài người chúng ta đang bị đe dọa bởi thảm họa môi trương. Các nhà khoa học chân chính trên toàn thế giới đã nhận ra và cảnh báo nguy cơ có thật này nhưng các tập đoàn sản xuất đa quốc gia và cả các chính phủ của một số nước công nghiệp phát triển vì những khoản lợi nhuận kếch xù đã tảng lờ tất cả những cảnh báo trên. Ta có thể ví trái đất của chúng ta với con tàu “TITANIC” cũng không phải là quá đáng. Khi con tàu Titanic được đánh giá là không thể bị chìm vừa va vào tảng băng ngầm ngay chuyến viễn du đầu tiên đã nhanh chóng bị chìm mang xuống đáy biển mấy ngàn sinh mạng.

Nhưng có một điều trớ trêu là khi con tàu đã lâm nạn rồi thì tất cả hành khách trên tàu vẫn không hề hay biết gì, vẫn vui vẻ ăn chơi nhảy muá vì họ hoàn toàn tin rằng con tàu vĩ đại này không thể chìm được. Trái đất của chúng ta ngày nay cũng vậy. Nguy cơ của thảm họa môi trường đang đe dọa trái đất trên phạm vi toàn cầu nhưng con người chúng ta vẫn rất “vô tư”, vẫn không muốn tin rằng sẽ có một thảm họa như vậy. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành bộ tiêu chuẩn ISO 14000 để góp phần ngăn chặn thảm họa môi trường. Nhật bản hiện đang dẫn đầu thế giới về áp dụng và chứng nhận ISO 14000. Tiêu chuẩn ISO 14000 được ban hành năm 1996. Chỉ sau hơn một năm Nhật bản đã có hơn một ngàn doanh nghiệp được chứng nhận và cho đến nay họ vẫn đang dẫn đầu thế giới về áp dụng ISO 14001:1996 với khoảng 15 ngàn doanh nghiệp được chứng nhận, gấp gần 3 lần nước đứng thứ 2 là UK. Cho nên chắc chắn rằng những công ty nào gắn được vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ với vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu sẽ là những công ty thành đạt ở thế kỷ 21. 

Tại một Hội nghị quốc tế về Quản lý tri thức trong doanh nghiệp được tổ chức ở Thái Lan cách đây gần 10 năm, người ta đã kết luận rằng “Quản lý tri thức trong doanh nghiệp được định nghĩa chính là TQM + IT” Như vậy, Đề tài ứng dụng khoa học quản lý cấp Bộ “Phổ biến áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tòan diện - TQM “ chính là một Dự án thí điểm hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung và chất lượng sản phẩm nói riêng mà cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin - IT, TQM sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận và đi vào quản lý tri thức để thành công trong thế kỷ 21. 

P.V

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang