Tăng giờ làm thêm, có nâng cao hiệu quả sản xuất?

author 06:59 27/12/2014

(VietQ.vn) - Trong khi đại diện DN muốn thay đổi quy định giờ làm thêm thì phía công đoàn khẳng định, yếu tố tăng năng suất, tiền lương mới quyết định tăng hiệu quả sản xuất.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Báo cáo kết quả khảo sát ý kiến DN nước ngoài về lao động và việc làm mới đây nhận định: Việt Nam đang phải cạnh tranh toàn cầu đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh mới và vì vậy, cần phải đảm bảo được tính cạnh tranh một cách tốt nhất có thể. Giới hạn làm thêm giờ hiện nay tại Việt Nam thấp hơn mức trung bình trên thế giới và thấp hơn các nước khác trong khu vực Châu Á. Việc cải thiện mức làm thêm giờ này sẽ đặc biệt hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất xuất khẩu với bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán.

Cụ thể, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cũng nêu kiến nghị: So với các nước trong khu vực Châu Á, việc hạn chế làm thêm giờ trong Luật Lao động hiện hành của Việt Nam là tương đối khắt khe, đồng thời là gánh nặng đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Luật Lao động tại Nhật Bản đang áp dụng quy định cho phép tăng thời gian làm thêm giờ thông qua việc ký “Thỏa ước lao động” giữa người sử dụng lao động và người lao động. nếu áp dụng cách làm này ở Việt Nam thì có thể nhanh chóng giải quyết được vấn đề mà không cần can thiệp đến Bộ Luật lao động sửa đổi.” Ông Shimon Tokuyama Chủ tịch JBAV nhận định.

Tăng năng suất lao động mới là yếu chính thúc đẩy hiệu quả sản xuất của DN

Tại Việt Nam, hiện Bộ Luật Lao động quy định chủ sử dụng lao động phải : Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm;

Trong khảo sát khảo sát hơn 400 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,  55% các doanh nghiệp cho rằng họ đã các các phương thức xử lý linh hoạt đối với hạn mức làm thêm giờ. 13% các doanh nghiệp cho rằng vấn đề này gây cản trở hoạt động kinh doanh và 31% cho rằng vấn đề này làm giảm hiệu suất sản xuất.

Kết quả khảo sát cho thấy hướng giải quyết tiềm năng để cải thiện quy định làm thêm giờ sẽ  khả năng cạnh tranh của thị trường lao động tại Việt Nam trong tương lai.
Theo đó, nếu một nhà máy ở Trung Quốc hay Thái Lan có mức làm thêm giờ là 1.872 giờ/năm và Việt Nam là 300 giờ/năm, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét đến yếu tố này khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh khi các quốc gia cùng tham gia trong một cộng đồng kinh tế của các Hiệp định thương mại tự do.

Cho rằng mức làm thêm giờ thấp gây bất lợi cho những người lao động mong muốn và tự nguyện làm thêm giờ để nâng cao thu nhập, báo cáo đề nghị Việt Nam nên tăng mức làm thêm giờ lên 800 giờ cho tất cả các ngành công nghiệp và 1.200 giờ cho các ngành công nghiệp đặc biệt.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận bàn về nội dung này trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: việc tăng thời giờ làm thêm mà chủ yếu là trong nhóm lao động phổ thông, có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tính không đúng mức tiền lương của người lao động trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Góp ý về thời giờ làm thêm đối với người lao động, ông Hồ Xuân Lâm, Phó phòng Quản lý lao động, Ban quản lý Khu công nghiệp-khu chế xuất TP.HCM, cho rằng nên để Bộ Y tế xác minh người Việt Nam làm bao nhiêu tiếng/ngày là phù hợp chứ không thể nói một cách cảm tính là làm thêm 200 giờ/năm hay 300 giờ/năm.

Không đồng tình, ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nói: “Nếu không khống chế giờ làm thêm thì công nhân ngành dệt may có thể phải làm thêm đến hơn 800 giờ/năm thay vì 300 giờ như dự luật quy định”. “Vấn đề cần bàn là làm sao để tăng năng suất lao động và tăng tiền lương chứ không phải là tăng giờ làm thêm. Không người lao động nào muốn một ngày làm quá tám tiếng. Có một thực tế tại TP.HCM là tai nạn lao động thường xảy ra vào giờ làm thêm vì công nhân tăng ca trong tình trạng đã quá sức mà bữa ăn lại không đảm bảo nên sức khỏe kém...” - ông Danh bức xúc.

Từ đây, ông Danh đặt vấn đề: “Chúng ta phải tự hỏi là tại sao người lao động phải làm thêm giờ? Bởi vì thu nhập thực tế của họ quá thấp, nếu không làm thêm giờ thì tiền lương đó không đủ trang trải cuộc sống. Tại sao người sử dụng lao động lại không muốn tìm cách tăng thêm tiền mà lại đòi tăng thêm giờ? Tôi cho đó là vấn đề đạo đức của người sử dụng lao động!”

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang