Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm

author 15:16 04/10/2013

Dự báo này được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong buổi công bố “Báo cáo triển vọng phát triển châu Á” mới đây.

kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm

 “Sức khỏe” nền kinh tế còn yếu

Theo dự báo của ADB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2013, không đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 4. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam có thể chậm lại ở mức 5,5%, thấp hơn so với dự báo 5,6% trước đó.

Trong 9 tháng đầu năm, lạm phát trung bình ở mức 6,8%, thấp hơn 9,2% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cầu tiêu dùng cá nhân còn yếu do tình trạng các doanh nghiệp đóng cửa và cắt giảm lao động trong hai năm trở lại đây đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Bản báo cáo cập nhật cho thấy, tăng trưởng trong khu vực dịch vụ giảm xuống 5,9%, tuy nhiên ngành dịch vụ vẫn đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP. Dịch vụ vận tải và bất động sản có cải thiện hơn so với năm 2012 nhưng bán hàng cả lẻ và sỉ đều sa sút. Nông nghiệp tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,1% do tác động của giá gạo thấp và thời tiết xấu ở các vùng trồng cà phê.

Nhận định về tình hình kinh tế, ông Tomoyuki- Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam- tỏ ra không mấy lạc quan và cho rằng, mặc dù lãi suất chính sách đã được cắt giảm, song tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế do các bảng cân đối kế toán của ngân hàng yếu kém, trong khi đó thị trường bất động sản còn èo uột và cầu tín dụng còn thấp… Vì vậy, theo ông Tomoyuki, tiếp tục cắt giảm lãi suất mà không giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu có thể làm gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô. Những tiến bộ dần dần trong việc xử lý nợ xấu sẽ cải thiện lòng tin của doanh nghiệp. Khi đó, các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tạo động lực cải thiện hoạt động tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Còn tiếp tục đối mặt khó khăn

Chỉ tiêu thâm hụt ngân sách năm 2013 là 4,8% GDP. Tuy nhiên, theo ông Dominic Mellor- chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam- tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với dự kiến của Chính phủ kèm theo các biện pháp giãn, giảm thuế có thể làm cho thâm hụt ngân sách cao hơn so với chỉ tiêu đề ra. “Nếu không đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu đối với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước thì nền kinh tế có thể phải đối mặt với giai đoạn tăng trưởng yếu ớt kéo dài, dưới mức 7- 8% đã đạt được trong giai đoạn 2002- 2007”- ông Dominic Mellor nói.

Dù vẫn còn nhiều mảng xám, song Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á cũng đưa ra một số tín hiệu khả quan của nền kinh tế. Những số liệu sơ bộ cho thấy, tăng trưởng GDP trong giai đoạn quý III/2013 tăng lên 5,5% so với cùng kỳ năm trước, so với 4,9% trong sáu tháng đầu năm, nhờ cải thiện kết quả trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tăng trưởng dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2014. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế của ADB cũng đưa ra nhận định, các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tạo động lực cải thiện hoạt động tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP. “Những tiến bộ dần dần trong việc xử lý nợ xấu sẽ cải thiện được lòng tin của DN.” ông Kimura nói.

Về chính sách tiền tệ, ADO đánh giá cao những bước đi tích cực của Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, bản báo cáo cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Theo chuyên gia ADB Dominic Mellor, mức độ cấp vốn hiên tại cho VAMC sẽ không đủ để xử lý một lượng nợ xấu khổng lồ. Việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm.

Theo Baocongthuong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang