Tảo hôn: Con trưởng thôn cũng… “dính”

author 08:11 25/10/2012

(VietQ.vn) – Nạn tảo hôn để lại hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội nhưng tại các vùng nông thôn, hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng. Vậy vai trò của các cấp chính quyền ở đâu?

Thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn

Chính quyền không thể can thiệp sâu?

Bà Nguyễn Thị Ánh - Cán bộ Hội phụ nữ xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, cho biết: “Có những cặp chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn làm đám cưới rất lớn từ vài năm nay. Tất cả họ đều rơi vào tình cảnh túng quẫn và nằm “thường trực” trong danh sách xóa đói giảm nghèo vì thuộc diện “3 không”: không nghề nghiệp, không đất đai, không vốn liếng”.

“Tình trạng tảo hôn ở đây năm nào cũng xảy ra, đặc biệt là một vài thôn thuộc xã Nguyệt Đức”, bà Ánh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Phòng - Trưởng thôn Quán Tranh, một trong những thôn đang là điểm nóng về tình trạng tảo hôn của xã Nguyệt Đức, cho hay: “Chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền như mỗi buổi phát thanh sáng của địa phương đều dành thời lượng để phổ biến về lối sống lành mạnh đến các em thanh thiếu niên. Nhưng chuyện gia đình cho các cháu kết hôn khi chưa đủ tuổi đăng ký là những việc không thể chậm trễ được”.

“Chính quyền địa phương có thể ngăn họ đăng ký kết hôn và làm đám cưới, nhưng không thể can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của hai đứa trẻ, nhất là khi bé gái đã bụng mang dạ chửa. Chẳng nhẽ bắt chúng tôi phải tiến hành cưỡng chế không cho phép các cháu về chung sống với nhau? Làm vậy liệu có hợp tình người, rồi liệu tương lai của các cháu gái sẽ ra sao?”, ông Phòng băn khoăn.

Theo ông Phòng, trong trường hợp có thai ngoài ý muốn, phụ nữ phải chịu thiệt thòi rất nhiều. Đặc biệt, mối quan hệ đó không đi tới hôn nhân tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả cô gái khó hy vọng kiếm được một người chồng như ý. Ngược lại, người đàn ông vẫn có thể tìm được một cô vợ mới và tận hưởng hạnh phúc. Rồi thì cái tiếng “không chồng mà chửa” là thứ muôn đời khó rửa sạch ở nông thôn.

“Mặc dù biết làm thế là trái pháp luật, là không đúng với chức trách của người đứng đầu một địa phương, nhưng nếu ở vị trí của tôi các bạn sẽ làm gì?”, ông Phòng trăn trở.

Mang thai sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và chất lượng sống của những bà mẹ tuổi "ô mai". Ảnh minh họa

“Quan hệ” cả ngoài… nghĩa địa

Ở các vùng nông thôn, hiện tượng quan hệ tình dục đã có xu hướng dễ dãi hơn, một phần do tác động của lối sống thành thị khi văn hóa giải trí ngày càng thu hẹp khoảng cách. Xu hướng này tiếp tục tăng cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn phát triển.

Trong thực tế, nam giới nông thôn ít bị nhắc tới hoặc qui trách nhiệm trong quan hệ tình dục tiền hôn nhân, chỉ các cô gái là phải chịu hậu quả nặng nề. Hầu hết hành vi quan hệ tình dục trên, các đối tượng đều không có sự chuẩn bị và thường xảy ra trong “giây phút mê muội” mà không được tiên liệu về hậu quả.

Anh Phạm Văn Lâm - Bí thư Chi đoàn thôn Quán Tranh, nhận xét: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kết hôn khi chưa đủ tuổi ở nông thôn là do thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn của các bạn trẻ, do sự du nhập của các loại văn hoá đồi truỵ thông qua mạng điện thoại, internet. Lớp trẻ bây giờ được trang bị điện thoại từ sớm, mà trong máy hầu như đều có những đoạn phim thiếu lành mạnh, các em xem rồi tò mò làm theo”.

“Lớp trẻ bây giờ được trang bị điện thoại, internet từ sớm, mà trong máy hầu như đều có những đoạn phim thiếu lành mạnh, các em xem rồi tò mò làm theo”.

(Anh Phạm Văn Lâm - Bí thư Chi đoàn thôn Quán Tranh)

Trong khi đó, sự quản lí của gia đình lại lỏng lẻo, có khi các em nói đi học nhưng lại hẹn hò trong các quán cà phê hay… nhà nghỉ mà gia đình không biết. Nguyên nhân thứ hai là hiện nay trong xã có rất nhiều đối tượng thi chuyển cấp không đỗ, ở nhà đi làm công nhân, buổi tối các em thường tụ tập hẹn hò và yêu đương từ rất sớm.

“Có những hôm cán bộ an ninh thôn đi kiểm tra còn phát hiện các em đang quan hệ với nhau ngoài… nghĩa địa. Hiểu biết về tình dục thì hạn hẹp nên việc có thai ngoài ý muốn và việc các em trở thành vợ chồng trước khi được pháp luật thừa nhận là điều không thể tránh khỏi”, anh Lâm nói.

Con trưởng thôn cũng tảo hôn

Ông Nguyễn Ngọc Phòng cho biết thêm: “Cách đây một năm, ông trưởng thôn cạnh thôn tôi còn phải cho con cưới tảo hôn thì làm sao vận động được người dân. Còn ở thôn tôi, lúc chính quyền phát hiện, cha mẹ các cháu có làm đơn đề nghị cải chính năm sinh cho con để đủ tuổi. Bị từ chối, họ nhờ người quen đến năn nỉ nhưng không ai dám ký. Cha mẹ còn như vậy thì làm sao dạy con được”.

Tiếp cận internet sớm trong khi không được định hướng thông tin, khiến nhiều bạn trẻ vào những trang web thiếu lành mạnh mà không được kiểm soát

“Các cháu còn tuổi học hành mà có chồng sớm thì lấy gì sống. Nếu quy trách nhiệm thì cha mẹ các cháu chính là người phải chịu trách nhiệm trước những đám cưới bất đắc dĩ này, vì sự giáo dục của gia đình chưa sâu sát mà các cháu mới có những phút buông thả để rồi xảy ra những hậu quả đáng tiếc”, ông Phòng nói.

Cũng theo ông Phòng, hiện tượng tảo hôn ở các thôn khác còn nhiều hơn thôn ông phụ trách.

Suốt mấy ngày rong ruổi vào các thôn, xã của huyện Thuận Thành, chúng tôi chẳng mấy khó khăn trong việc “kiểm chứng” lời ông Phòng là thật. Những ông bố, bà mẹ trẻ kia nếu tiếp tục được đi học đầy đủ chắc vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, trong khi đã phải bận bịu với đám con “đứa nách, đứa cõng sau lưng”.

Một người dân xã Gia Đông nói: “Mấy năm trước, ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã còn làm cả đám cưới rình rang cho thằng con 15 tuổi. Dân chúng tôi đa số không nắm luật hôn nhân, thỉnh thoảng nghe tuyên truyền giảm tảo hôn, sinh đẻ này nọ nhưng thấy cán bộ xã làm như thế thì học chắc nịch là không vi phạm rồi. Lấy vợ, gả chồng sớm nên ở đây tuổi “quá lứa” cũng bị rút ngắn đi, con gái lên 20 mà chưa con bồng con bế thì xem như... ở giá”.

Tảo hôn nhiều đến nỗi đã thành quen, thành thờ ơ, thành chuyện bình thường ở làng quê này lúc nào không hay.

Thanh Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang