“Tẩy chay” hàng giá rẻ: Sóng dùng hàng Việt sẽ lên ngôi

author 08:25 15/05/2014

TS. Hoàng Thọ Xuân – nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) bày tỏ quan điểm trước làn sóng “nói không” với hàng giá rẻ, chất lượng kém của người Việt hiện nay.

Trao đổi với PV, TS. Hoàng Thọ Xuân cho rằng, cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" chúng ta đã thực hiện được 5 năm và kết quả đem lại khả quan. Thời điểm này lại chính là cơ hội tốt để người Việt thể hiện tinh thần yêu nước bằng cách tiêu dùng hàng Việt nhiều hơn, tất nhiên bằng cách thể hiện văn minh, lành mạnh.

Ông có cho rằng đây là lúc người Việt nên thể hiện lòng yêu nước bằng cách ưu tiên dùng hàng Việt nhiều hơn?

Tôi cho rằng việc người Việt “nói không” với hàng hóa giá rẻ nhưng chất lượng kém, đơn cử như hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, là việc rất nên làm, các nước văn minh họ cũng đã làm.

Tôi được biết hiện ở một số tỉnh, thành phố đã và đang làm, nhưng cần làm mạnh tay hơn nữa để tạo thành một “làn sóng”, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng xã hội sẽ tốt hơn.

Theo TS. Hoàng Thọ Xuân, lúc này chính là cơ hội tốt cho hàng Việt lên ngôi.

Nhân sự việc này, các hội người tiêu dùng, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, rồi cả doanh nghiệp Việt Nam… nên tích cực triển khai các chương trình tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi người dân ủng hộ dùng hàng Việt nhiều hơn. Những chương trình được đưa ra cần chú ý đánh vào ý thức tự giác của người tiêu dùng, khuấy động tinh thần yêu nước, vì dân tộc của người Việt. Cách thức hành động cũng phải làm sao thể hiện sự lành mạnh, văn minh.

Nhưng lâu nay do giá cả chưa hấp dẫn nên hàng hóa Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ khác tràn chợ. Thay đổi thói quen “thích hàng giá rẻ” không hề dễ, thưa ông?

Cái chính là ý thức của người tiêu dùng, một khi họ đã không muốn, họ nhận thức được cái gì tốt cho mình thì nên làm, tức khắc họ sẽ tẩy chay hàng hóa kém chất lượng, không cứ là hàng Trung Quốc hay không.

Chúng ta nghèo nhưng không có nghĩa cái gì thấy rẻ cũng mua, cũng ăn mà không quan tâm tới chất lượng, sức khỏe của mình.

Ông có cho rằng, nhân việc người tiêu dùng đang quay lưng với hàng giá rẻ, kém chất lượng thì đây sẽ là cơ hội để hàng Việt lên ngôi?

Không chỉ là cơ hội “lên ngôi” cho hàng Việt, mà tôi cho rằng phong trào này còn mang nhiều ý nghĩa tác động tích cực khác nữa. Quan trọng nhất là cách làm thế nào để không phải chỉ “ăn sổi”, mà nó đem lại hiệu quả thực sự. Không chỉ nói, hô hào suông, mà chúng ta phải làm thật, có hiệu quả thật.

Chinh phục lòng tin hay thay đổi thói quen tiêu dùng là cả một quá trình, nhưng doanh nghiệp Việt đã có động lực rồi thì phải làm tới, làm thật mạnh. Chọn cách tuyên truyền hàng Việt chất lượng, không độc hại, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng… thì tôi nghĩ, chẳng một người dân Việt Nam nào lại không chọn hàng trong nước nếu đó là sản phẩm tốt cho mình, cho gia đình mình cả.

Ngoài cơ hội kinh doanh, cạnh tranh bằng giá rẻ có là sức ép lớn với doanh nghiệp Việt để hàng nội chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường, thưa ông?

Đúng, cái khó của doanh nghiệp Việt hiện nay là sản xuất ngay tại chỗ nhưng giá còn cao hơn giá hàng Trung Quốc nhập về. Hàng hóa giá rẻ chất lượng kém nhập về Việt Nam qua nhiều đường, từ tiểu ngạch tới chính hãng… nhưng nhìn chung nếu xét về khía cạnh giá và hình thức thì đôi khi hàng Việt kém bắt mắt hơn. Nhưng nếu xét về chất lượng thì chắc chắn hàng “made in Vietnam” hơn hẳn.

Hai đối tượng chính, theo tôi, cần phải đẩy mạnh truyên truyền để thay đổi ý thức đó là người tiêu dùng và bà con tiểu thương. Nếu không có người dùng, không có nhu cầu, tất yếu người bán sẽ không nhập hàng Trung Quốc về, vì nhập về bán cho ai? Ngược lại, chừng nào người đi buôn còn bị hấp dẫn vì giá rẻ, vẫn nhập hàng về ồ ạt để kiếm lời, thì chừng đó thị trường còn hàng Trung Quốc, còn chỗ tiêu thụ hàng Trung Quốc.

Về phía cơ quan quản lý, đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đã bước sang năm thứ 5 thực hiện; tuyên truyền vận động người tiêu dùng, bà nội trợ, bà con tiểu thương… thay đổi ý thức, thói quen tiêu dùng của mình. Đơn cử, xây dựng chương trình truyền thông mạnh mẽ về hàng Việt, nêu tác hại của hàng kém chất lượng trên các kênh truyền thông và “phát” vào một giờ nhất định.

Cứ bật đài, bật tivi vào khung giờ đó, người dân tiếp cận được thông tin tuyên truyền như vậy thì lâu dài sẽ thành “nếp”. Một thói quen nhỏ được thay đổi, tức khắc sẽ thay đổi những điều lớn hơn.

Ngoài ra, sẽ hay hơn, tích cực hơn nếu mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp Việt nhân cơ hội này nghiên cứu làm sao để sản xuất những sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn nhưng giá thành hạ hơn cho người tiêu dùng trong nước.

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng có cái khó là chưa chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Do đó, buộc các doanh nghiệp “made in Vietnam” phải tính tới đường dài, tìm kiếm hướng sản xuất mới, phát triển vùng nguyên liệu trong nước để tránh sự lệ thuộc.

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang