'Thành phố đáng sống' Đà Nẵng dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh

author 07:24 02/04/2016

(VietQ.vn) - Theo bảng xếp hạng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2015, Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng, Hà Nội tăng 2 bậc, lên số 24, TP.HCM tụt xuống thứ 6.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu.

Cụ thể, với việc cải cách thủ tục hành chính, gom các cơ quan về một trung tâm, tỷ lệ doanh nghiệp không phải đi lại nhiều để lấy dấu và chữ ký tăng từ mức 67% năm 2014 lên 70% năm 2015. Tỷ lệ cán bộ công chức làm việc hiệu quả của tỉnh này cũng tăng từ 71% lên 76%.

Sau Đà Nẵng là Đồng Tháp, với 66,39 điểm, Quảng Ninh với 65,75 điểm. Trong số các tỉnh miền núi phía Bắc, Lào Cai đứng đầu khi góp mặt trong top 5, trong khi hai tỉnh "láng giềng" là Lai Châu và Hà Giang lại xếp trong nhóm 3 tỉnh có PCI thấp nhất.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ảnh: Kiều Oanh.

TP.HCM được đánh giá có năng lực cạnh tranh tốt, nằm trong top 6 với 61,36 điểm. Hà Nội xếp thứ 24, thua xa các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, tuy nhiên vẫn cao hơn Bình Dương một bậc.

PCI 2015 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.700 doanh nghiệp, trong đó có 10.200 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: “Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do đó, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng theo báo cáo PCI 2015, từ cảm nhận của 1.584 doanh nghiệp FDI cho thấy, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào quá trình hoạch định các chính sách cao và mức thuế hợp lý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng lạc quan hơn về phát triển kinh doanh. Năm 2015, gần 50% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, lần lượt tăng 3% và 16% so với năm 2014 và 2013. Đây cũng là mức cao nhất của chỉ tiêu này trong vòng 5 năm công bố báo cáo PCI.

 Kiều Oanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang