Thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, giải pháp 'gốc rễ' để đảm bảo ATTP

author 09:13 15/02/2018

(VietQ.vn) - Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, thắt chặt các quy định về an toàn thực phẩm ngay từ nơi sản xuất là giải pháp căn bản để giải quyết vấn đề ATTP.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất cũng như mùa lễ hội, thành phố Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành. Đồng thời, đưa ra những giải pháp thiết thực như trang bị xe lưu động, xe chuyên dụng để kiểm tra nhanh tại các chợ đầu mối cũng như nơi sản xuất có nguy cơ để kiểm soát và triển khai với các sản phẩm từ các tỉnh đưa về Thủ đô.

Ngoài ra, việc hợp tác giữa Hà Nội với 21 tỉnh thông qua hoạt động liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nhằm bảo đảm ATTP cũng được triển khai rất đồng bộ và mang lại hiệu quả cao.Riêng với ngành nông nghiệp, để quản lý và bảo đảm ATTP, Sở NN&PTNT cũng đã tham gia phối hợp với các sở, ngành như Công Thương, Công an và Y tế để đi kiểm tra và chỉ đạo theo tinh thần chỉ đạo của thành phố xuống các cơ sở, địa phương.

Đặc biệt, việc hướng dẫn thay đổi phương thức sản xuất theo chuỗi và áp dụng các quy trình quản lý về chất lượng cũng như quy trình sản xuất là phương tiện để làm tốt công tác quản lý nhà nước. Đây cũng chính là cơ sở để người tiêu dùng có thể tìm hiểu và yên tâm về chất lượng sản phẩm. Và là giải pháp mang tính đồng bộ, bền vững trong việc kiểm soát chất lượng ATTP.

Đối với việc quản lý tại các chợ đầu mối cũng như chợ dân sinh, thì ngoài Ban quản lý chợ là đơn vị thực hiện thường xuyên và tăng cường kiểm soát, kiểm tra thì những hoạt động bổ sung như kiểm tra đột xuất bằng xe lưu động của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố cũng được triển khai rất kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh các đoàn kiểm tra từ bố trí tăng cường lực lượng đến thực tế kiểm tra tại các cơ sở trong việc chấp hành và đáp ứng yêu cầu quản lý cũng được tập trung cao độ hơn bình thường.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi có ứng dụng quy trình quản lý chất lượng đang là xu thế mới nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo ATTP. Ảnh: Dân trí 

Đó là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, để bảo đảm được ATTP từ tận gốc thì quan trọng vẫn là giải pháp hướng dẫn và chỉ đạo bà con nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ cách làm truyền thống, thủ công không bao gói sang quy trình sản xuất có kiểm soát, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm và phải gắn chặt chẽ với việc quản lý nguy cơ mất ATTP ngay từ nơi sản xuất.

Ngoài ra, nông nghiệp của Hà Nội cũng cần đi theo hướng khai thác để phát triển được những nét mang tính đặc trưng riêng của Thủ đô. Với tiềm năng phát triển nông nghiệp cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn nên Hà Nội phải hướng đến một nền nông nghiệp toàn diện theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, hữu cơ và truy xuất được nguồn gốc xuât xứ rõ ràng.

Hiện nay Hà Nội có thị trường tiêu thụ hơn 10 triệu dân, sản xuất nông nghiệp đứng vào tốp đầu của cả nước, đáp ứng được 60% nhu cầu của người tiêu dùng. Do vậy sản xuất nông nghiệp sạch sẽ bảo đảm được đầu ra và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Bên cạnh đó, khi đã phát triển được sản xuất nông nghiệp sạch sẽ kéo theo sự ra đời các nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp và cả chế biến sâu. Đây chính là hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Thủ đô.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, hiện nay xu thế phát triển của nông nghiệp Hà Nội theo hướng tích cực, phát triển nông nghiệp song song đi kèm với phát triển các trang trại giáo dục, trang trại du lịch kết hợp với tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch làng nghề. Đây được xem là một thế mạnh và tiềm năng mà Hà Nội cần đầu tư khai thác. Khi phát triển, sẽ tạo thành vòng tròn khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển du lịch. Đây là giải pháp phát triển lâu dài cho nông nghiệp Thủ đô, đồng thời giải quyết được lâu dài về vấn đề bảo đảm ATTP.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 40 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đạt 25%, trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt đạt 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%... Nhìn chung, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt năng suất cao hơn so với mô hình truyền thống từ 10-12%; hiệu quả kinh tế tăng từ 25 đến 28%...

Các loại hình công nghệ cao được ứng dụng trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội gồm ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, lưới tự động, thủy canh; các loại giống mới năng suất cao nhập khẩu từ nước ngoài; công nghệ sinh học, công nghệ nhân giống in vitro tạo ra các loại giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng.

Bảo Bình

'Tuyên chiến' với thực phẩm không an toàn trong lĩnh vực nông nghiệp(VietQ.vn) - Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang