Thi đại học 2014: Bộ đề thi thử môn Văn 2014 và đáp án

author 17:56 18/06/2014

(VietQ.vn) - Thử sức cho kỳ thi đại học 2014 với hai bộ đề thi môn văn của trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần thơ) và THPT Tánh Linh (Bình Thuận)

Sự kiện:

ky thi dai hoc 2014 

Cùng thử sức cho kỳ thi đại học 2014 với bộ đề Văn 

Đề thi thử đại học 2014 môn Văn trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ

Câu I (3 điểm)

 1. (1,5 điểm)

 “Từ sau khi Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường, tiềm lực hoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước tăng lên đáng kể. Đầu tư từ ngân sách cho KH&CN vẫn giữ mức 2% trong hơn 10 năm qua, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên rất nhanh, đến thời điểm này đã tương đương khoảng 1 tỷ USD/năm. Cơ sở vật chất cho KH&CN đã đạt được mức độ nhất định với hệ thống gần 600 viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước, hơn 1.000 tổ chức KH&CN của các thành phần kinh tế khác, 3 khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã bắt đầu có sản phẩm đạt kết quả tốt. Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng thông tin tốt trong khu vực ASEAN (kết nối thông tin với mạng Á - Âu, mạng VinaREN thông qua TEIN 2, TEIN 4…)…”

(Báo Hà Nội mới, ngày 16/5/2014 - Mai Hà - Ánh Tuyết)

Đọc đoạn văn trên và cho biết:

- Nội dung chính bàn về vấn đề gì?

- Đặt tên cho đoạn văn.

2. Trong đoạn thơ dưới đây tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ gì? Trình bày hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tu từ đó? (1.5 điểm)

Ôi tổ quốc! ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng

Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết:

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông

(Sao chiến thắng- Chế Lan Viên)

Câu II (3 điểm)

Bài báo “Kiều bào với tình yêu biển đảo quê hương” đăng trên trang báo điện tử ngày 16/5/2014 Đài tiếng nói Việt Nam, Ông Nguyễn Bá Thuật, kiều bào ở Đan Mạch khẳng định: “Một tấc đất, một tấc biển của ông cha để lại, không thể để cho người ngoại quốc kiểm soát!”. Anh/ Chị có ý kiến gì về nhận định trên trong hoàn cảnh hiện nay.

Câu III (4 điểm)

Trong văn chương, ánh sáng và bóng tối được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm tạo tình huống truyện, chuyển tải nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Với những hiểu biết về hai tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, anh/ chị hãy làm sáng tỏ.

thi dai hoc 2014 

Kỳ thi đại học 2014 chỉ còn chưa đầy 20 ngày 

 

Đáp án đề thi thử đại học môn Văn trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ)

Câu I.

1.

- Nội dung đoạn văn: Sự phát triển của khoa học công nghệ VN trong hoàn cảnh hội nhập,…

- Tiêu đề cho đoạn văn: Khoa học công nghệ của VN,…

2. Các biện pháp tu từ được sử dụng:

+ Điệp ngữ: ôi tổ quốc!

Tác dụng: nhấn mạnh, khẳng định cảm xúc yêu mến, tự hào.

+ So sánh: như máu thịt, như mẹ cha, như vợ, như chồng,…

Tác dụng: Đất nước hiện lên cụ thể, sinh động. Đất nước như một phần sự sống của bản thân, như một thành viên trong gia đình và “ta” quyết tâm dù hy sinh cũng phải bảo vệ, giữ gìn.

Câu II.

1.

Giải thích về nhận định: “Một tấc đất, một tấc biển của ông cha để lại, không thể để cho người ngoại quốc kiểm soát!:

Nhận định này là lời của một kiều bào: ông Nguyễn Bá Thuật.

- Nhận định khẳng định ý thức quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của kiều bào và cũng là tiếng lòng của triệu trái tim VN.

- Trong hoàn cảnh thời sự nóng bỏng như hiện nay, nhận định có sức lan tỏa mạnh mẽ.

2. Phân tích và bình luận:

- Vấn đề biển đảo, bảo vệ chủ quyền của đất nước là chủ đề như thế nào trong tình hình hiện nay?

- Tại sao Kiều bào lại khẳng định mạnh mẽ như vậy? Đây có phải là biểu hiện của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước.

- Thái độ của bao con người mang nòi giống con cháu Lạc Hồng có biểu hiện như thế nào? Dẫn chứng, phân tích, bình luận

3. Bài học nhận thức hành động: lời nhận định có giá trị như thế nào đối với mọi

người và bản thân? Bản thân cần làm gì để phát huy truyền thống bao đời của dân tộc?

Câu III.

1. Nội Dung

- Khái quát về hai nhà văn, hai tác phẩm

- Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận

2. Bàn luận:

-Ánh sáng và bóng tối: vốn là hai phương diện quan trọng của cuộc sống, luôn luôn tồn tại bên cạnh nhau, bổ sung cho nhau

- Ánh sáng và bóng tối trong 2 tác phẩm được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nòng cốt “ nhằm tạo tình huống truyện, chuyển tải nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm”

Chứng minh qua 2 tác phẩm:

- Qua “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân xây dựng một tình huống đặc biệt. Hai nhân vật này xuất hiện trong tác phẩm như hai khách thể đối cực, như ánh sáng và bóng tối, thậm chí là đối thủ trong một hoàn cảnh đặc biệt.

- Không gian nghệ thuật của “Chữ người tử tù” chủ yếu được xây dựng dựa trên không gian của bóng tối: nhà tù - một "trại giam tối om", khung cảnh nền ấy ngập tràn bóng tối, "quạnh quẽ" và "tối mịt", tất cả đều nhuốm vẻ u ám. Ánh sáng chỉ là một ngọn đèn leo lét, chỉ là một vài vì tinh tú nhấp nháy xa xa, trong đó có một "ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ".

Nội dung tư tưởng, chủ đề: tác giả muốn gởi gắm niềm tin về thiên lương con người, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù le lói nhưng không bao giờ tắt, và nếu có cơ hội nó lại bùng lên mạnh mẽ như niềm tin của con người vào cái tốt cái đẹp, vào ánh sáng. (nêu dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)

- Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam: Ánh sáng và bóng tối được sử dụng như một thủ pháp cơ bản: tương phản trong không gian, thời gian; tương phản trong cuộc sống và tinh thần con người ( nêu dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)

- Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong hai tác phẩm có điểm giống nhau: Cả hai tác giả đều sử như một nguyên tắc đối lập, một thủ pháp nghệ thuật trong xây dựng tình huống truyện. Cùng bộc lộ giá trị tư tưởng.

- Khác nhau:

+ Trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân: ánh sáng và bóng tối vừa đối lập, vừa bổ sung, nâng đỡ nhau, đồng thời có sự chuyển hóa từ bóng tối ra ánh sáng. Ánh sáng và bóng tối ở đây từ nghĩa thực đã chuyển thành nghĩa tượng trưng. Bóng tối đại diện cho cái xấu cái ác trong cuộc sống. Ánh sáng đại diện cho cái đẹp, cái cao cả, cái thiêng liêng. Ánh sáng trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là ánh sáng của chân lý, của cái đẹp trong tài hoa, nhân cách.

+ Trong “Hai đứa trẻ” - bóng tối vừa mang nghĩa biểu trưng cho cuộc sống tù đọng, quẩn quanh nơi phố huyện vừa được sử dụng như phông nền chính nhằm làm nổi bật cho số phận mòn mỏi của những con ngưòi nơi đây; ánh sáng biểu tượng cho ước mơ, khát khao hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống của người lao động nghèo nhưng ngày càng mong manh.

3. Đánh giá

- Khẳng định lại vấn đề

- Hai nhà văn đã đóng góp nhiều mới mẻ cho văn học. Qua nghệ thuật miêu tả ánh sáng và bóng tối trong hai sáng tác ta hiểu rõ hơn về tính độc đáo và tính sáng tạo của văn chương.

- Tiếp cận tác phẩm văn chương, ta không chỉ tiếp cận vỏ ngôn từ mà cần nhìn ra

 

Đề thi thử đại học môn Văn khối C, D năm 2014 trường THPT Tánh Linh (Bình Thuận)

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

“ Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...”

(Trích Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành)

a) Nội dung của đoạn văn trên nói về vấn đề gì ? Đặt tên cho đoạn văn. (1.0 điểm)

b) Chỉ ra các biện pháp tu từ trong đoạn văn trên và tác dụng của chúng (1.0 điểm)

Câu 2: Khi yêu cầu học sinh chép lại theo trí nhớ một đoạn trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, có học sinh đã chép như sau:

                           Những đường Việt Bắc của ta

                     Đêm đêm rầm rập như là đất rung

                          Quân đi điệp điệp chùng chùng

                    Ánh sao đầu súng bạn cùng mủ nan.

                         Dân công đỏ đuốt từng đoàn

                    Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

                         Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

                     Đèn pha bật sáng như ngày mai nên…

Hãy chỉ ra những lỗi sai, thiếu chính xác trong đoạn thơ trên. (1.0 điểm)

II. PHẦN VIẾT VĂN (7.0 điểm)

1. Nghị luận xã hội: (3.0 điểm)

                         Chẳng ai muốn làm hành khất

                         Tội trời đày ở nhân gian

                         Con không được cười giễu họ

                         Dù họ hôi hám úa tàn.

                         Nhà mình sát đường, họ đến

                         Có cho thì có là bao

                         Con không bao giờ được hỏi

                         Quê hương họ ở nơi nào.

                         Con chó nhà mình rất hư

                         Hễ thấy ăn mày là cắn

                         Con phải răn dạy nó đi

                         Nếu không thì con đem bán.

                         Mình tạm gọi là no ấm

                         Biết đâu cơ trời vần xoay

                         Lòng tốt gửi vào thiên hạ

                         Biết đâu nuôi bố sau này...

DẶN CON ( Trần Nhuận Minh)

Bài thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về cách ứng xử với những người bất hạnh trong cuộc sống?

2. Nghị luận văn học: (4.0 điểm)

Cảm nhận của em về Màn kết trong vở kịch “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

Đáp án đề thi thử đại học môn Văn khối C, D năm 2014 trường THPT Tánh Linh

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1:

a) Nội dung của đoạn văn trên nói về vấn đề gì ? Đặt tên cho đoạn văn. (1.0 điểm)

- Nội dung trên nói về đặc tính của cây xà nu:

+ Là loài cây ham ánh sáng mặt trời, sinh sôi nảy nở nhanh và khỏe... ( 0.25 điểm)

+ Khi bị đạn đại bác bắn, cây xà nu bị chặt đứt ngang thân, đổ ào ào như trận bão, cây chết. Nhưng một số cây khác vết thương chóng lành, vượt lên trên, cạnh một cây ngả gục, có bốn, năm cây con mọc lên... ( 0.5 điểm)

- Đặt tên: Sức sống mãnh liệt của cây xà nu ( 0.25 điểm)

b) Chỉ ra các biện pháp tu từ trong đoạn văn trên và tác dụng của chúng (1.0 điểm)

- Các biện pháp tu từ:

+ So sánh: Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. ( 0.25 điểm)

+ Nhân hóa: Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...” ( 0.25 điểm)

- Tác dụng: miêu tả sinh động hình ảnh và đặc tính của cây xà nu. ( 0.25 điểm)

- Tác dụng: nhấn mạnh ý nghĩa biểu trưng của cây xà nu: gắn bó mật thiết và che chở, bảo vệ cho người dân Xô man, Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ( 0.25 điểm)

Câu 2: Hãy chỉ ra những lỗi sai, thiếu chính xác trong đoạn thơ sau. (1.0 điểm)

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp chùng chùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mủ nan.

Dân công đỏ đuốt từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai nên…

- Chỉ ra được mỗi từ chép lại sai: ( 0.25 điểm)

- Bốn từ chép sai là: trùng trùng, mũ nan, đỏ đuốc, ngày mai lên.

II. PHẦN VIẾT VĂN (7.0 điểm)

1. Nghị luận xã hội: (3.0 điểm)

Gợi ý

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bài thơ Dặn con của Trần Nhuận Minh là một bài thơ thấm thía bởi đề cập đến một cách ứng xử rất mực chân tình với những người bất hạnh quanh ta.

- Nội dung cần bàn luận: Nội dung của bài thơ: Lời dặn con của người cha

- Cách đối xử với người bất hạnh:

+ Đồng cảm và sẻ chia: Hiểu được nguyên nhân tình cảnh hiện tại của người khác phải chịu đựng.(Tội trời đày: bất hạnh cho số phận, do không may...). Đặt mình vào tình cảnh để cảm thông( quan tâm cần tế nhị, đúng lúc, đối với hành khất hỏi quê hương là điều chạnh lòng đối với họ...)

+ Tránh thái độ kì thị, khinh miệt, thương hại... ( trong trường hợp này thương hại cũng giống như khinh miệt)

- Ý nghĩa của cách đối xử ấy:

+ Giảm bớt khó khăn về vật chất, cũng như giảm bớt cả những tổn thương về tinh thần cho những người vốn đã bất hạnh đau khổ. Đó là biểu hiện của tình thương, tình người.

+ Thương người cũng chính là thương mình. Cái sâu sắc của người cha khi dạy con là lòng nhân ái.

- Đánh giá:

+ Người cha thấu hiểu lẽ đời và giàu tình người.

+ Chú ý đến việc hoàn thiện nhân cách và vun đắp vẻ đẹp tình người cho tâm hồn người con...

-> Nếu những bậc làm cha mẹ đều chú ý nuôi dạy con cái như thế thì xã hội sẽ có những thế hệ trẻ biết sống một cách khoan dung và nhân ái.

- Liên hệ - rút ra bài học.

+ Tự nhìn nhận đánh giá lại bản thân mình qua hành vi ứng xử với người bất hạnh xung quanh

+ Cần điều chỉnh cách sống, cách ứng xử để thể hiện là một người có văn hóa...

2. Nghị luận văn học: (4.0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn kết trong vở kịch “Hồn trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

Gợi ý

1. Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vị trí màn kết của vở kịch, dẫn đề...

- Tác giả Lưu Quang Vũ: một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

- Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch gây được nhiều tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch được viết năm 1981.

2. Thân bài:

- Giới thiệu tình huống kịch: Trương Ba là người nhân hậu, thanh cao, khoáng hoạt phải trú nhờ trong xác hàng thịt dung tục, thô lỗ → rơi vào bi kịch → quyết định trả xác để được “ là tôi toàn vẹn”

- Mô tả lại đoạn kết:

+ Kết thúc vở kịch, Trương Ba Chết, nhưng hồn ông vẫn còn đó “giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện”, và ông đã nói với vợ mình những lời tâm huyết, hàm chứa ý nghĩa “ Tôi đây bà ạ. Tôi ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta…Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…”.

+ Cu Tị sống lại và đang cùng ngồi với cái Gái trong khu vườn. Cái Gái “Lấy hạt na vùi xuống đất…”cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo thế. Những cây sẽ nối nhau mà khôn lớn.Mãi mãi…”

- Ý nghĩa:

+ Những lời nói của Trương Ba, phải chăng đó là sự bất tử của linh hồn trong sự sống, trong lòng người. Điều đó tô đậm thêm nhân cách cao thượng của Trương Ba và khắc sâu thêm tư tưởng nhân văn của tác phẩm.

+ Hình ảnh cái Gái ăn quả Na rồi vùi hạt xuống đất:

* Biểu tượng cho sự tiếp nối những truyền thống tốt đẹp ( “ Ông nội tớ bảo vậy”) là tâm hồn, là nhân cách Trương Ba.

* Biểu tượng cho sự sống bất diệt của những giá trị tinh thần mang tính nhân văn cao đẹp (“mãi mãi”).

* Khẳng định niềm tin vào sự chiến thắng của cái thiện và cái đẹp.

+ Ý nghĩa của sự sống nhiều khi không phải ở sự tồn tại sinh học mà chính là sự hiện diện của người đã khuất trong tâm tưởng, nỗi nhớ, tình yêu của những người còn sống. Vẻ đẹp tâm hồn sẽ trường tồn dài lâu, bất tử so với sự tồn tại của thể xác

+ Có thể nói, đây là một đoạn kết giàu chất thơ với ngôn từ tha thiết, thấm đẫm tình cảm và có dư ba bởi những hình ảnh tượng trưng về sự sống nảy nở ( “ vườn cây rung rinh ánh sáng, hai đứa trẻ cùng ăn quả na rồi gieo hạt na xuống đất cho nó mọc thành cây mới). Đó là khúc ca trữ tình ca ngợi sự sống, ca ngợi những giá trị nhân văn mà con người luôn phải vươn tới và gìn giữ.

=> Tác giả gửi gắm thông điệp về cuộc sống: sự sống thật sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên,hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Hạnh phúc của con người là chiến thắng được bản thân, chiến thắng sự dung tục, hoàn thiện được nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý

3. Kết bài: - Khái quát lại vấn đề

- Rút ra bài học cho bản thân.

Chúc các bạn ôn thi tốt!

An Nhiên (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang