Thiếu tiêu chuẩn, nước mắm Việt khó bề xuất khẩu

author 06:47 11/03/2019

(VietQ.vn) - Đây là thực tế mà không ít các doanh nghiệp nước mắm trong nước gặp khó khi tìm đường đưa nước mắm Việt xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tại thị trường Hà Nội, nước mắm Phú Quốc được bày bán rất nhiều tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán lẻ... Đại diện cơ sở sản xuất cho biết nhãn hàng này đã xuất khẩu sang một số nước Đông Âu với khoảng 10.000 chai mỗi năm. Đáng nói dù sản phẩm được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng nhưng thiếu tiêu chuẩn chính là rào cản khiến cho xuất khẩu không được lớn hơn.

Nước mắm Phú Quốc rất được khách quốc tế ưa chuộng nhưng để xuất khẩu vẫn còn nhiều rào cản để vượt qua 

Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm cho biết, lợi thế lớn của nước mắm Phú Quốc là đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu, nhưng nếu xét về mặt tiêu chuẩn để đi đường chính ngạch là rất khó bởi tiêu chuẩn vào châu Âu là rất khắt khe, đặc biệt là chỉ tiêu histamin là rào cản lớn nhất của nước mắm truyền thống của Việt Nam ra nước ngoài.

Đây là một ví dụ cho thấy để tiếp cận thị trường xuất khẩu thì bất cứ mặt hàng nào cũng phải đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Nói cách khác để nước mắm Việt đi xa, rất cần bộ tiêu chuẩn để áp dụng vào quá trình sản xuất.

Đề cập đến vai trò của tiêu chuẩn trong công tác quản lý, theo PGS.TS Trần Đáng, quản lý là phải dựa vào tiêu chuẩn, tiêu chuẩn là cái dùng để phân biệt cái này với cái kia và để đánh giá cái nà tốt hay xấu và để cơ quan quản lý kiểm tra xem có đạt hay không...

Rõ ràng vai trò của tiêu chuẩn rất quan trọng thế nhưng Dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm vừa được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) biên soạn lại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Trong đó tranh cãi nổi bật nhất là nếu áp dụng tiêu chuẩn này thì sẽ không còn khái niệm nước mắm truyền thống. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ tiêu chuẩn cho từng loại nước mắm, minh bạch rõ cho từng nhóm sản phẩm nước mắm.

Cùng với những tranh cãi về khái niệm, tên gọi thì nhiều ý kiến cho rằng bộ tiêu chuẩn mới có nhiều điểm không phù hợp với điều kiện sản xuất nước mắm truyền thống. Tuy nhiên cũng có cơ sở khẳng định sẽ không có gì khó khăn nếu sản xuất đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy hải sản Liên Thành, TP. Hồ Chí Minh tại buổi trao đổi thông tin với báo chí về Dự thảo tiêu chuẩn nước mắm TCVN 12607:2019 tại Hà Nội

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy hải sản Liên Thành, TP. Hồ Chí Minh, làm về an toàn vệ sinh thực phẩm nếu ý thức được sớm thì làm sớm thì sẽ thấy ngay áp dụng tiêu chuẩn là phù hợp còn nếu chậm trễ thì sẽ không phù hợp và cảm thấy khó khăn. Bà Hồng cũng khẳng định dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm không bắt buộc phải áp dụng nên nếu doanh nghiệp nào sẵn sàng thì áp dụng còn không thì không bắt buộc.

Đại diện Ban soạn thảo khẳng định, đây là tiêu chuẩn về quá trình chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Cơ quan thẩm định TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm cho biết, mục đích chính của tiêu chuẩn này không phân biệt nước mắm tiêu chuẩn hay nước mắm truyền thống mà có thể hiểu tiêu chuẩn này là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, qua đó để phòng ngừa các rủi ro cho chính nhà sản xuất và cho người tiêu dùng.

"Vì nó mang tính chất khuyến nghị thì có thể doanh nghiệp áp dụng hay không áp dụng", ông Linh nói.

Trước những ý kiến còn gây tranh cãi, Ban soạn thảo cho biết, sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện làm sao để bộ tiêu chuẩn thật sự là công cụ giúp cho nhà sản xuất làm tốt hơn công việc của mình, tạo thuận lợi trong thương mại sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để thị trường thế giới nhìn nhận, đánh giá sản phẩm của Việt Nam. Khi tiêu chuẩn của Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn.

Xây dựng tiêu chuẩn nước mắm mang lại lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng (VietQ.vn) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trước ý kiến lo ngại tiêu chuẩn ban hành sẽ làm khó nước mắm truyền thống.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang