Thông qua Luật Thủ đô, không siết nhập cư

author 20:04 21/11/2012

(VietQ.vn) - Từ 1/7/2013, để nhập khẩu Hà Nội, công dân phải tạm trú liên tục tại nội thành 3 năm trở lên, có nhà. Nếu ở nhà thuê, chủ nhà phải có đăng ký kinh doanh và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô với số phiếu tán thành 75%. Luật thủ đô với 7 chương, 27 điều, đưa ra nhiều chính sách xây dựng, phát triển và quản lý thủ đô. Trong đó, điều 8 quy định việc xây dựng và phát triển thủ đô phải theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, phải bảo đảm xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng thủ đô và cả nước.

Luật Thủ đô không siết nhập cư như dự thảo
Luật Thủ đô không siết nhập cư như dự thảo

Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê. Đáng chú ý, điều 19 quy định về quản lý dân nhập cư vào thủ đô được chỉnh sửa theo phương án 1 của dự thảo.

Theo đó, cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...

Luật cho phép Hội đồng nhân dân Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng (Điều 20). Tuy nhiên, trong Luật thủ đô không quy định nội dung cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Còn các mức thu phí cụ thể thì Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật phí và lệ phí.Các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình công nhận biểu tượng của thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và danh hiệu Công dân danh dự thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng, phát triển thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của thủ đô.

Trước đó, tại buổi thảo luận về Luật thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, để quản lý tốt dân cư nội thành thì cần có điều kiện nhập khẩu. Quy định này để đảm bảo cuộc sống cho người nhập cư và người đang sống, phù hợp với quy mô dân số theo quy hoạch. Ông cũng cho rằng, những người lao động tự do vẫn hoạt động bình thường, sinh sống tạm trú, mà không nhập khẩu.

"Tâm lý những người ở tỉnh ngoài muốn về thủ đô cũng là bình thường, nhưng vì lợi ích chung của thủ đô thì phải chấp nhận điều kiện tương đối. Chính quyền không thể cấm máy móc, cũng không thể mở hoàn toàn", ông Nghị khẳng định.

Luật thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.

PV.(tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang