Xuất khẩu thực phẩm nông sản vào Nhật Bản: Thủ tục hải quan và phương thức đánh giá sự phù hợp thế nào?

author 10:18 25/07/2018

(VietQ.vn) - Để tham gia đưa hàng hóa thực phẩm, nông sản xuất khẩu thâm nhập vào được thị trường khó tính Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý đến các thủ tục về Hải quan, về kiểm tra chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản…

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Được sự đồng ý của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ngày 12/7/2018, Trung tâm Kỹ thuật 3 đã phối hợp với Tổ chức đánh giá sự phù hợp SK của Nhật Bản, tổ chức Hội thảo “Giới thiệu các thủ tục Hải quan và các Phương thức đánh giá sự phù hợp đối với thực phẩm, nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”, nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các thủ tục khi muốn thâm nhập thị trường khó tính này.

Doanh nghiệp còn lúng túng

Tham dự Hội thảo có các đại diện đến từ Chi cục Hải quan Quản lý hàng Đầu tư, Cục Hải quan TP.HCM; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM; Hội Lương thực Thực phẩm TP; Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản; Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao; Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch; Hội nước mắm Phú Quốc; Trung tâm Kỹ thuật 3; Tổ chức SK của Nhật Bản và hơn 100 doanh nghiệp lĩnh vực thực phẩm, nông sản sản xuất.

Đông đảo các doanh nghiệp tham gia

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh: “Việt Nam đã tham gia ký kết 02 hiệp định thương mại (FTA) lớn gồm: Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA – có hiệu lực 1/10/2009) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP – có hiệu lực 10/2010). Khi các hiệp định này có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức cho doanh nghiệp (DN). Đứng trước những cơ hội và thách thức từ sự tác động của các hiệp định thương mại này đem lại, một số DN có quy mô lớn trong ngành lương thực thực phẩm (LTTP) đã có sự chuẩn bị về đầu tư để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường Nhật Bản và tận dụng những thuận lợi các hiệp định mang lại.

Tuy nhiên, phần lớn các DN, cơ sở sản xuất trong ngành LTTP vẫn còn đang loay hoay lúng túng chưa biết phải chuẩn bị gì và chuẩn bị như thế nào cho việc xâm nhập thị trường Nhật Bản. Đa số những DN này chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên còn bị hạn chế về năng lực tài chính và công nghệ.

Xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Nhật Bản cần chú ý những gì?

Để tham gia đưa hàng hóa thực phẩm, nông sản xuất khẩu thâm nhập vào được thị trường khó tính Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý đến các thủ tục về Hải quan, về kiểm tra chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản…

Ông Đặng Thái Thiện, Phó chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Quản lý hàng Đầu tư – Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh

Tại Hội thảo, ông Đặng Thái Thiện, Phó chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Quản lý hàng Đầu tư – Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã chia sẻ đến các doanh nghiệp về chính sách quản lý hàng xuất khẩu, nhập khẩu (Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương) của Chính phủ. Ông Thiện nhấn mạnh đến các thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ để không mất thời gian của doanh nghiệp. Nhắc đến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật bản, ông Thiện cho biết: Quyết định 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 của Bộ Công Thương ban hành Quy chế cấp Giấy C/O mẫu AJ để hường ưu đãi theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản; Và Hiệp định giữa Việt Nam – Nhật Bản về đối tác kinh tế đã được quy định tại Thông tư 10/2009/TT-BCT ngày 18/05/2009 của Bộ Công thương thực hiện Quy tắc xuất xứ (C/O mẫu VJ) trong Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế. Và gần đây nhất là Nghị định 155/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2018 – 2023.

Về quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa thực phẩm, nông sản của Nhật Bản, ông Tagata Hajime Giám đốc Công ty SK (là Tổ chức đứng thứ 2 (tại Nhật Bản) chuyên về đánh giá sự phù hợp chất lượng hàng hóa) chia sẻ: hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản có 3 loại kiểm tra:

1. Kiểm tra bắt buộc: Dựa trên luật  an toàn vệ sinh thực phẩm, những thực phẩm nào có khả năng có vấn đề cao theo yêu cầu của Bộ Y tế Lao động, Phúc lợi Nhật Bản sẽ thực hiện kiểm tra bắt buộc khi nhập khẩu.

2. Kiểm tra hướng dẫn:  Tại cơ sở kiểm dịch sẽ xác nhận đơn vị nhập khẩu có thực hiện tốt trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm không. Tùy theo kiểm tra mà Bộ Y tế Lao động, Phúc lợi Nhật Bản quyết định có xác nhận lại hay không, sẽ kiểm tra hướng dẫn, tự nguyện.

3. Kiểm tra giám sát: Tại cơ sở kiểm dịch, hàng hóa không là đối tượng của kiểm tra bắt buộc thì với mục đích để nắm rõ tình trạng anh toàn vệ sinh thực phẩm, căn cứ vào kế hoạch hàng năm mà tiến hành giám sát liên tục, thực hiện xác nhận tính an toàn thực phẩm hiệu quả cao. Trường hợp có vi phạm về thuốc trừ sâu, những vi phạm khác, thì sẽ tăng cường tần suất kiểm tra giám sát, nhằm xem xét có cần thiết cho vào loại kiểm tra bắt buộc hay không.

Ông Tagata Hajime Giám đốc Công ty SK

Ông Tagata Hajime nhấn mạnh: Kiểm tra bắt buộc và hướng dẫn sẽ do đơn vị kiểm định có đăng ký với Bộ Y tế Lao động, Phúc lợi Nhật Bản thực hiện. Kiểm tra giám sát do Phòng Kiểm dịch thực hiện nhưng có một phần được ủy thác đơn vị ngoài.

Hàng hóa được xác định là không cần kiểm tra, hay kết quả kiểm tra là không có vấn đề sẽ được cấp chứng nhận hoàn tất kê khai nhập khẩu, có thể tiến hành thủ tục hải quan. Kết quả kiểm tra là vi phạm thì hàng không được bán tại Nhật, phải xử lý hoặc trả về.

Ông Tagata Hajime cũng đã cung cấp địa chỉ website https://www.jetro.go.jp/en/reports/regulations/để doanh nghiệp vào tìm hiểu các quy định về chỉ tiêu, chất lượng hàng hóa thực phẩm, nông sản khi đưa vào thị trường Nhật Bản..

Liên quan đến kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước, khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, các đại diện của các Phòng chuyên môn (Phòng Chứng nhận sản phẩm; Phòng Thực phẩm, Nông sản, Thủy sản và Hóa chất; Phòng Thử nghiệm Thực phẩm) cũng đã cung cấp đến các doanh nghiệp các quy định của Nhà nước về kiểm tra đối với thực phẩm xuất khẩu; các quyết định chỉ định của các Bộ ngành liên quan đối với Trung tâm; năng lực và thiết bị của Trung tâm…Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm quy trình và thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa thực phẩm, nông sản. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm các quy trình thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu trên websitehttp://www.quatest3.com.vn/chung-nhan-hang-hoa-xnk 

Quatest 3

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang