Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về Khoa học và Công nghệ

author 11:16 04/01/2017

(VietQ.vn) - Sáng nay 4/1/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Ảnh Huy Hùng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Tham dự hội nghị, tại đầu cầu Trung ương còn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện Lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan quản lý KH&CN; Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt thuộc Bộ KH&CN; đại diện một số doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST);...

Tham dự Hội nghị tại đầu cầu các địa phương có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân; Lãnh đạo các sở, Ban, ngành; đại diện các tổ chức KH&CN (viện, trường, trung tâm) tại địa phương.

Theo Bộ KH&CN, trong năm 2016, ngành KH&CN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngành KH&CN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung.

 Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo tại Hội nghị tổ chức sáng nay. Ảnh Huy Hùng

Hoạt động KH&CN trong năm qua đã có nhiều kết quả nổi bật, thể hiện trong các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với các cam kết quốc tế và triển khai định hướng đổi mới trong lĩnh vực KH&CN, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ (ĐMCN), ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khoa học xã hội, nhân văn phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; KH&CN đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; KH&CN ở địa phương; Phát triển tiềm lực KH&CN; Thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Phát triển thị trường KH&CN; Các hoạt động hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hội nhập quốc tế về KH&CN;…

Theo đó, hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ĐMCN; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN.

Khoa học xã hội và nhân văn đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, giúp các cơ quan chức năng hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

KH&CN Việt Nam có những bước tiến lớn

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN, thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất.

 Hội nghị trực tuyến Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển KT-XH tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh Huy Hùng

Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1-2% so với năm 2015. Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ĐMCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn. KH&CN góp phần nâng cao năng lực đội ngũ trong thiết kế, giám sát, thi công, xây lắp phát triển cơ sở hạ tầng ngang tầm khu vực. Với lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và phòng tránh thiên tai. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, về khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự và với lĩnh vực y tế KH&CN cũng đã mang lại nhiều kết quả nổi bật trong những năm qua.

Trong năm 2016, hoạt động thúc đẩy hình thành, phát triển doanh nghiệp KH&CN; phát triển thị trường KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, ĐMCN là một trong những hoạt động được ngành KH&CN triển khai mạnh mẽ, rộng khắp và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều này đã đóng góp đáng kể vào việc hình thành, phát triển các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Năm 2016, các chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy sự hình thành một số lượng lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường KH&CN được thúc đẩy phát triển, bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bắt nhịp với hội nhập

Về hoạt động Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện hành lên đến 9.500 TCVN, mức độ hài hòa đạt trên 48% bao trùm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực, chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc, quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu. 650 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) được ban hành là công cụ, phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người,…

Hoạt động đo lường tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sản xuất, kinh doanh nói riêng thông qua các phép đo trực tiếp hoặc gián tiếp được thực hiện bởi các phương tiện đo lường.

Hoạt động kiểm tra, thanh tra đo lường tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng như: Xăng dầu, vàng trang sức mỹ nghệ. Hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận, kiểm định, công nhận) đã giúp doanh nghiệp khẳng định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,…

Các quy định pháp luật về SHTT được rà soát, đề xuất sửa đổi để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng cho nhà đầu tư, cũng như đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, năm 2017 là năm bản lề triển khai các kế hoạch phát triển KT-XH, các nhiệm vụ trọng tâm được Bộ KH&CN xác định gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển; Tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Đề án tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế;

Tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN vào việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị; Tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh để phục vụ cho việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; Xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và ĐMCN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh;

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Huy Hùng

Triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực hấp thụ, ĐMCN của doanh nghiệp; Phát triển các doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; Nghiên cứu các cơ hội, thách thức, đề xuất các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nâng cao hiệu quả hoạt động SHTT, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về KH&CN. Tích cực đàm phán, tiến tới ký kết các Hiệp định, thoả thuận hợp tác mới về KH&CN...

Để KH&CN thực sự thành động lực phát triển KT-XH

Sau báo cáo của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị đại diện các bộ, ngành, địa phương phát biểu ý kiến một cách tập trung, thẳng thắn nêu những điểm còn khó khăn để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ, để KH&CN thực sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó Thủ tướng mong muốn các ý kiến tập trung vào vấn đề tỷ lệ giữa nghiên cứu và ứng dụng đã phù hợp hay chưa, hội đồng xét tuyển đề tài có vấn đề gì cần lưu ý, cơ chế xin - cho đã rành mạch chưa, khó khăn, vướng mắc đang nằm ở khu vực nào và cần có định hướng như thế nào để làm tốt hơn...

Hướng KH&CN vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định tầm quan trọng của KHCN trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng và KH-XH nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm qua, ngành nông nghiệp có những kết quả nổi bật trong lĩnh vực KH&CN, đó là: Đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung; Góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp... Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã đưa KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao.

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định ngành Y tế có nhiều thành tựu nhờ ứng dụng KH&CN vào khám chữa bệnh. Ảnh Huy Hùng

Ngành Y có nhiều thành tựu nhờ ứng dụng KH&CN vào khám chữa bệnh

Đối với ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định trong năm qua, ngành y tế đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật nhờ ứng dụng tiến bộ KHCN vào việc khám chữa bệnh cho người dân.

"Các công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh được nghiên cứu ứng dụng thành công", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

VietQ.vn đang tiếp tục cập nhật...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Khoa học và công nghệ là động lực phát triển công thương(VietQ.vn) - Khoa học công nghệ vừa giữ vai trò then chốt, vừa là nền tảng, động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển cho đất nước và ngành Công Thương.

Hà Thủy - Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang