Thức ăn chăn nuôi ngậm đầy hóa chất nguy hại

author 06:32 14/08/2014

(VietQ.vn) - Theo tìm hiểu, thức ăn cho chăn nuôi hiện nay chứa nhiều hóa chất độc hại và rất dễ tiềm ẩn trong chuỗi thức ăn gây bệnh nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Thông tin cập nhật trên trang The Financial Express cho biết, việc sử dụng chất thải trong thức ăn chăn nuôi cho gia cầm và cá có thể gây nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng vì chất thải nguy hiểm có khả năng tiềm ẩn trực tiếp trong chuỗi thức ăn. 

Nhà máy thuộc da tại Bangladesh nổi tiếng vì bẩn, hóa chất độc hại vẫn còn vương lại trên người lao động và các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu gần đây còn cho thấy thức ăn chăn nuôi được sản xuất từ phế liệu công nghiệp cũng đặt ra nguy cơ về sức khỏe cho hàng triệu người trên khắp cả nước.

Thức ăn chăn nuôi chứa độc chất rất dễ gây bệnh cho người sử dụng thịt

Thức ăn chăn nuôi chứa độc chất rất dễ gây bệnh cho người sử dụng thịt vật nuôi. Ảnh minh họa

"Người dân cả nước đang gặp phải rất nhiều rủi ro khi tiêu thụ chất đạm trong các loại động vật giá rẻ như thịt gà và cá. Điều này rất đáng báo động,” Abul Hossain, một giáo sư hóa học tại Đại học Dhaka, người đứng đầu nghiên cứu mới đây về chất thải crom được vận chuyển vào thịt gà cho hay. 

Theo Sở Môi Trường thuộc chính phủ Bangladesh (DoE), xưởng thuộc da ở Hazaribagh, một khu công nghiệp ở thủ đô của Bangladesh, Dhaka, đã thải ra khoảng 22.000 mét khối chất thải độc hại mỗi ngày bao gồm các chất crom, lưu huỳnh, amoni và nhiều hóa chất khác. 

Mỗi ngày, các xưởng thuộc da thải ra khoảng 100 tấn phế liệu gồm nguyên liệu cắt tỉa, thịt và chất béo. Sau đó, chúng lại được các khu tái chế vùng lân cận chế biến thành thức ăn cho gà lấy thịt và nhiều trang trại cá trên toàn quốc.  

Mặc dù quy định về hàm lượng crom tối đa vẫn chưa được xác định, nhưng theo đánh giá của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu thì người trọng lượng 60 kg có thể tiêu thụ khoảng 0,25 mg crôm mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng crôm là chất có khả năng gây ung thư (sản sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp), vì vậy hàm lượng  hóa chất này trong thực phẩm 'càng thấp càng tốt’. 

"Chúng tôi phát hiện thấy nhiều mức crom trong thực phẩm dao động khoảng 350 - 4.520 microgram [0,35-4,52 mg] / kg tại các cơ quan nội tạng khác nhau ở gà được nuôi bằng thức ăn sản xuất từ xưởng phế liệu trong hai tháng”, ông Hossain cho biết. 

Gia cầm giá rẻ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thực phẩm mất an toàn tại Bangladesh, chiếm khoảng 75% nhu cầu về thịt của quốc gia đồng thời cung cấp cơ hội việc làm cho cả khu vực chăn nuôi chính thức và không chính thức.

Báo cáo năm 2012 của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế cho rằng, mở rộng việc nuôi gia cầm khiến cho kinh tế của nông dân Bangladesh phải đối mặt với tình trạng thiếu đất. Thức ăn chăn nuôi được sản xuất từ phế liệu công nghiệp bị nhiễm độc lại rất thu hút người nông dân vì sản phẩm rất giàu protein. Hơn nữa, giá thành phẩm cũng khá rẻ mặc dù họ đều thấy rõ nguy cơ các hóa chất gây ung thư rất dễ xâm nhập vào chuỗi thức ăn. 

Một báo cáo của Cơ quan giám sát Nhân Quyền tại Bangladesh năm 2012 đã ghi nhận tình trạng sức khỏe trầm trọng của công nhân trong xưởng sản xuất thuộc da tại Hazaribagh do hóa chất gây ra, bao gồm ngứa, bong tróc, cháy da và phát ban, ngón tay bị ăn mòn vào tận xương, đau nhức, chóng mặt, buồn nôn và chân tay bị biến dạng hoặc cắt cụt. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh thức ăn chăn nuôi vẫn buôn bán các sản phẩm độc hại này. 

Ông Anwar Hossain, chủ sở hữu một nhà máy tái chế tạm tại Hazaribagh, giải thích: "Chúng tôi mua phế liệu thô và đánh bóng bụi (bằng crôm và thuốc nhuộm tẩm chất thải) từ các xưởng thuộc da rồi đem ngâm với vôi trước khi đun sôi chúng thành một màu đen cánh dán."

Ông ước tính có khoảng 60 nhà máy sản xuất ra khoảng 30 tấn thức ăn chăn nuôi mỗi ngày. Nhu cầu về thức ăn thừa đã tạo ưu thế khiến gà phát triển rất nhanh và có giá rẻ hơn so với các chất bổ sung khác. 

Thức ăn chăn nuôi tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại

Thức ăn chăn nuôi tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại. Ảnh minh họa

Việc sản xuất và phân phối mặt hàng độc hại này phải dừng ngay lập tức. Tuy nhiên hiện nay, những thức ăn này còn được vận chuyển đến nhiều vùng khác trên cả nước. Và rõ ràng, người tiêu dùng không hề biết thực chất thức ăn cho gia cầm nguy hại đến thế nào. 

Năm 2001, Tòa án tối cao Bangladesh đã ra phán quyết buộc chính phủ yêu cầu các xưởng sản xuất thuộc da phải có biện pháp xử lý chất thải cho phù hợp. Tuy nhiên, chính phủ đã không thi hành. Tiếp tục đến năm 2009, Tòa án Tối cao lại quyết định buộc chính phủ di rời các xưởng sản xuất này ra ngoài khu vực Dhaka hoặc phải đóng cửa nhà máy, nhưng lại một lần nữa mọi quyết sách đều bị bỏ qua. 

"Tất cả các nhà máy tái chế đều đang hoạt động bất hợp pháp vì họ không có bất kỳ giấy phép hoạt động nào. Vì vậy, rất khó để quản lý và điều chỉnh những khu sản xuất này”, Mohammad Alamgir, giám đốc giám sát và thực hiện tại Bộ Năng lượng cho biết. 

Vào tháng 5 năm 2014, sau khi phương tiện truyền thông địa phương khuyến cáo về việc thức ăn chăn nuôi bị ô nhiễm, DoE  đã đóng cửa sáu nhà máy tái chế. Tuy nhiên, vẫn chưa hoàn toàn triệt để.

Linh Nguyễn


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang