Thúc đẩy xuất khẩu rau quả theo hướng bền vững

author 06:46 10/03/2021

(VietQ.vn) - Muốn tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu rau quả, các doanh nghiệp Việt phải có sự đầu tư bài bản như vùng trồng đạt Global GAP, nhà máy đạt chứng nhận ISO, chứng nhận xã hội, môi trường...

Từ sản xuất, tiêu thụ trong nước là chính, rau quả Việt Nam đã không ngừng thay đổi phương thức sản xuất, hình thành quy hoạch những vùng chuyên canh chất lượng an toàn để xuất khẩu chính ngạch sang những thị trường khó tính, mang lại giá trị cao.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên theo ghi nhận từ Tổng cục Thống kê, tổng trị giá xuất khẩu rau quả tháng 2/2021 đạt 300 triệu USD; tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu rau quả đạt 610 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu xuất khẩu của ngành rau quả trong năm 2021 là 4 tỷ USD. Ảnh minh họa. 

Các chuyên gia cho rằng, từ đầu năm đến nay xuất khẩu rau quả tăng trở lại chủ yếu là do tác động tích cực từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, có hiệu lực. Bên cạnh đó, việc các nước đưa vắc xin Covid-19 vào tiêm chủng cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng rau quả ở các thị trường chính của Việt Nam tăng lên.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, mục tiêu năm 2021 của doanh nghiệp là tăng 15-10% so với năm 2020. “Chúng tôi sẽ xuất khẩu vào những thị trường mà Việt Nam đã có FTA, ví dụ như là FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào để gia tăng sản lượng cũng như doanh thu”, ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm nay do dịch bệnh giảm, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể tăng ở mức 10-15%. Dịch bệnh giảm đi hoặc qua đi chắc chắn khiến thông thương giữa các nước, trong có có Việt Nam phát triển.

Mục tiêu xuất khẩu của ngành rau quả trong năm 2021 là 4 tỷ USD. Đây là con số lẽ ra ngành hàng này đã đạt được trong năm 2020 nếu không có Covid-19. “Nếu tình hình khó khăn thì có thể xuất khẩu năm nay sẽ đạt mức trước dịch là khoảng 3,7 tỷ USD, bằng với năm 2019”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Dù đều nhìn nhận năm nay dư địa của ngành rau quả tại thị trường thế giới vẫn còn rất lớn, song nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng các nước sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe nên các thị trường sẽ tăng cường hàng rào kỹ thuật, kể cả thị trường Trung Quốc.

Bởi vậy, muốn tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu rau quả, các doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản như vùng trồng phải đạt Global GAP, nhà máy phải có chứng nhận ISO, chứng nhận xã hội, môi trường... Đây là những thứ cần có trước khi đàm phán với đối tác. Khi đã có khách hàng, điều cần thiết là doanh nghiệp phải tiếp tục duy trì các điều kiện này, tránh tình trạng lô hàng xuất khẩu bị hủy do không đáp ứng các điều kiện, yêu cầu đặt ra…

Rau quả và trái cây chế biến muốn sang EU phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc gì?(VietQ.vn) - Rau quả đã qua chế biến (và thực phẩm nói chung) muốn xuất khẩu vào EU phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu bắt buộc khắt khe.

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang