Thực phẩm chức năng: Coi chừng dị ứng!

author 08:08 01/12/2013

Nhiều người biết rõ dược phẩm có thể gây dị ứng, nhưng không phải ai cũng biết thực phẩm chức năng cũng có nguy cơ đó.

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu và sử dụng đúng cách thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Thực phẩm chức năng nằm ở ranh giới giữa thực phẩm truyền thống và thuốc, nhưng không phải là thuốc và không có tác dụng để chữa trị bất kỳ một loại bệnh nào. Và nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng vô tội vạ cũng sẽ gây tác hại khôn lường.

Các loại thực phẩm chức năng thường được bào chế từ thảo mộc có bổ sung các tá dược hay chất bảo quản nên có thành phần khá phức tạp, khó xác định, gây ra nhiều phản ứng phụ khác nhau. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, khi dùng thực phẩm chức năng không đúng cách có thể gây dị ứng với biểu hiện xanh tím tái, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, truỵ tim mạch, có thể gây chết người. Cũng có người bị dị ứng nhẹ hơn với biểu hiện như: Trên da nổi mề đay, mẩn ngứa, bị khó thở, hen suyễn, bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy hay mắt bị viêm đỏ kết mạc...

Trước khi quyết định dùng một loại thực phẩm chức năng nào đó, chúng ta cần tìm hiểu kỹ về thành phần, công thức cũng như các giấy phép liên quan của sản phẩm đó. Với những người đang uống các loại thuốc để điều trị những bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch thì không nên dùng phối hợp với thực phẩm chức năng khi chưa có ý kiến chuyên môn của bác sĩ điều trị. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư dù được phát hiện bệnh sớm nhưng lại không vào bệnh viện điều trị ngay mà lao vào sử dụng thực phẩm chức năng với hy vọng có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Thậm chí, có người đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe theo những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng thực phẩm chức năng, làm mất đi cơ hội điều trị.

Nguy cơ dị ứng thuốc tăng cao ở nhóm phụ nữ mang thai và thời kỳ cho con bú, các bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính, đang trong giai đoạn stress... Do đó, những đối tượng kể trên cần thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc chưa sử dụng bao giờ.

Nhiều người lầm tưởng uống thực phẩm chức năng hay uống thảo dược là vô hại nhưng không phải vậy. Với những người có cơ địa dị ứng thì dù ăn thịt gà, thịt bò hay hải sản cũng có thể bị dị ứng với thức ăn. Vì vậy, tốt nhất không nên lạm dụng những sản phẩm này và khi thấy xuất hiện những triệu chứng dị ứng thuốc đầu tiên như nổi mẩn đỏ, ngứa, sưng mắt, sưng mặt phải ngưng ngay việc sử dụng để phản ứng dị ứng không nặng thêm.
Theo các bác sĩ, thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị, đặc biệt là đối với bệnh mạn tính. Khi phải sử dụng thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh liều cao dài ngày, việc bổ sung thực phẩm chức năng sẽ giúp hỗ trợ cơ thể chịu tác động trực tiếp và gián tiếp trong quá trình điều trị, giảm bớt ảnh hưởng đối với gan, thận...

Quy định hiện hành chưa cho phép bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng, nên những người sử dụng thực phẩm thường “tự biên, tự diễn”, dùng những loại “không trúng - không đúng”. Trong khi đó, thực phẩm chức năng cũng như bất kỳ sản phẩm nào cần phải dùng đúng chỉ định và theo khuyến cáo mới mang lại tác dụng. Việc một số DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng quảng cáo quá tác dụng, thậm chí sai lệch so với công bố hoặc quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định nội dung... khiến nhiều người chưa hiểu biết đầy đủ về thực phẩm chức năng, coi thực phẩm chức năng như thuốc điều trị bệnh nên sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Thực phẩm chức năng được chia thành các nhóm như sau: 

Nhóm bổ sung vitamin và khoáng chất: Như việc bổ sung iode vào muối ăn, sắt vào gia vị, vitamin A vào đường hạt, vitamin C, E, b-caroten vào nước giải khát, acid folic, DHA, omega-3 vào sữa, thức ăn trẻ em…

Nhóm thực phẩm chức năng dạng viên: Có các dạng viên nang, viên nén, viên sủi, chứa các hoạt chất sinh học, vitamin và khoáng chất phòng loãng xương, thoái hóa khớp, các chất chống ôxy hóa, chống ung thư, phòng ngừa, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn thần kinh…

Nhóm bổ sung chất xơ: Làm nhuận tràng, chống táo bón, ngừa ung thư đại tràng, có vai trò đối với chuyển hóa cholesterol, phòng ngừa nguy cơ suy vành, sỏi mật, hỗ trợ việc giảm cân, giảm béo phì, hỗ trợ giảm đái đường…

Nhóm thực phẩm giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa: Bao gồm xơ tiêu hóa sinh học (probiotics) và tiền sinh học (prebiotics) đối với hệ vi khuẩn cộng sinh ruột già.

Nhóm bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt khác: Được sản xuất, chế biến để bổ sung năng lượng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể khi vận động thể lực, thể dục thể thao…

Nhóm thực phẩm loại bỏ bớt một số thành phần: Được sản xuất, chế biến để hỗ trợ giảm cân, giảm béo, phòng chống rối loạn một số chức năng sinh lý thần kinh, tiêu hóa, để tăng cường sức lực và sức đề kháng…

Nhóm các thực phẩm cho nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt: Thức ăn cho phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ ăn dặm, vận động viên, phi hành gia, qua ống thông dạ dày, cho người có rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, cho người đái đường, cho người cao huyết áp.

Theo Lao Động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang