Thực phẩm chức năng - 'thổi phồng' quảng cáo khiến người dùng 'lĩnh đủ' tác hại

author 15:00 12/08/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù thời gian qua lực lượng chức năng tăng cường ngăn chặn những hành vi quảng cáo sai sự thật của nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng trên mạng nhưng các sản phẩm này vẫn ‘len lỏi’, tiếp cận nhanh chóng đến người tiêu dùng.

Với sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh, các mạng xã hội, số lượng người dùng đang ngày một tăng lên. Internet đã trở thành công cụ quảng cáo, tiếp cận người dùng hiệu quả và nhanh chóng. Đây là mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại TPCN “thần dược” len lỏi, tiếp cận nhanh chóng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, do lợi nhuận mà nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã 'thổi phồng' công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe để ' lừa' người tiêu dùng, gây khó trong công tác kiểm soát, ngăn chặn của lực lượng chức năng.

“Truy đuổi” người dùng tới cùng dẫn tới các hành vi vi phạm về quảng cáo

Thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, với sự phát triển của các công cụ tìm kiếm, người tiêu dùng đang bị theo dõi và "truy đuổi" dễ dàng hơn bao giờ hết. Bằng một thao tác tìm kiếm thông tin trên các các công cụ tìm kiếm, quan tâm đến một nhóm chủ đề; thậm chí dừng lại ở một nội dung nào đó trên mạng xã hội, người tiêu dùng cũng có thể bị ghi nhận lại thông tin và trở thành mục tiêu của các quảng cáo.

Trong trường hợp của thực phẩm chức năng, khi người dùng có nhu cầu hay gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tìm kiếm các thông tin này trên Internet. Các thông tin này được thu thập, trở thành công cụ đưa các nội dung quảng cáo liên quan đến người dùng một cách “đúng người, đúng bệnh”. Các quảng cáo này không đơn thuần theo sát người dùng trên một công cụ mà có thể “truy đuổi” người dùng từ nền tảng này sang nền tảng khác, từ ngày này sang ngày khác; dần ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng.

 Thực phẩm chức năng luôn thổi phồng quảng cáo người dùng thận trọng mua. Ảnh minh họa

Cũng chính vì muốn sản phẩm của mình được người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn đã dẫn tới tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng rất phổ biến và khó kiểm soát. Đặc biệt là vi phạm trên mạng xã hội (zalo, facebook, youtube, google và các trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài).

Các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như “thần dược”, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, không đúng nội dung đã được xác nhận. Thậm chí lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; không có nội dung khuyến cáo... là những sai phạm phổ biến.

Khác với các hình thức quảng cáo thông thường như báo giấy, tivi... các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau và sự quản lý của các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận của báo Thanh Niên, trong thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã phát hiện nhiều trường hợp công bố sản phẩm trên mạng xã hội, các trang web không đúng sự thật. Khi mời đại diện doanh nghiệp tới để lập biên bản xử phạt thì phía doanh nghiệp phủ nhận việc quảng cáo sản phẩm nói trên, trong khi bình thường họ sẵn sàng phản ứng nếu bị mạo danh.

Đặc biệt, tình trạng trên một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền khi gọi điện đến khách hàng để tư vấn bán thực phẩm chức năng (thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe); các nhân viên bán hàng quảng cáo giới thiệu các sản phẩm đó là thuốc hoặc sản phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế thẩm định.

Các các sản phẩm chào bán thường được giới thiệu hỗ trợ về: xương khớp; sinh lý nam; tiểu đường; kích thích mọc tóc; trị mất ngủ, giảm cân... Nhân viên tư vấn mang tính hù dọa do nắm bắt được tâm lý người bệnh hay lo lắng; không cung cấp thông tin địa nhà sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát. 

Mua mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguốc gốc dễ 'dính' nhiều rủi ro cho sức khỏe(VietQ.vn) - Trong công tác kiểm tra tình hình kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn đã tạm giữ 110 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng Hàn Quốc không hóa đơn chứng từ.

Người dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn thực phẩm chức năng trên mạng 

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tiêu và dùng là hai cán cân của một cây cân, nếu không có người mua thì những loại thực phẩm chức năng “dởm” sẽ không có cơ hội tồn tại. Một người tiêu dùng thông minh cần tỉnh táo để nhận biết đâu là thực phẩm chức năng và đâu là thuốc. Tránh nhầm lẫn để rồi tin vào những lời quảng cáo có cánh về những công dụng “thần kỳ” của những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, công dụng, thành phần; để rồi có thể dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Một bộ phận không nhỏ người tiêu thụ còn quan niệm, “thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nên có thể thoải mái dùng mà không lo ngại tác dụng phụ, hiệu quả không mong muốn đối với cơ thể”. Đây là nhận thức hết sức sai lầm, nguy hại. Theo các chuyên gia “dù là thuốc hay thực phẩm chức năng thì người bệnh cũng không nên tự ý dùng mà cần được sự tư vấn của bác sĩ, cán bộ y tế có chuyên môn. Bởi khi đưa bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào vào cơ thể, đều có thể tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe mà người bệnh không lường trước được. Chưa kể nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ trên mạng nhưng công dụng, thành phần đều chưa được chứng minh, thậm chí chưa được cấp phép.

Do đó, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cảnh báo, cá nhân hoặc tổ chức bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng, không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng nên cần phải tỉnh táo lựa chọn, tránh 'tiền mất tật mang".

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang