Thực phẩm mất an toàn vì thức ăn chăn nuôi 'bẩn'

author 14:38 19/11/2014

(VietQ.vn) - Sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi không đúng cách, không đúng quy định của Nhà nước có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Doanh nghiệp "phớt" quy định pháp luật?

Thức ăn chăn nuôi khi sử dụng có thể mang lại những nguy cơ đối với người dùng nếu không có kiểm soát, quản lý tốt chất lượng. Những thực phẩm có kháng sinh, có thuốc tăng trọng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng trước mắt mà còn về lâu dài, gây ra những bệnh lý hiếm gặp hoặc các bệnh nan y mà y học khó chữa. Điều này đặt ra bài toán, quản thế nào với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có trên thị trường hiện nay khi nguồn cung thức ăn chăn nuôi trên thị trường đang rất lớn. Trong đó, sản phẩm nhập khẩu và nhập lậu số lượng nhiều.

Thức ăn chăn nuôi mang chất cấm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng

Cơ quan công an đã xử lý nhiều vụ vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi bị cấm sử dụng. Ảnh minh họa

Thực tế thanh kiểm tra của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tại các doanh nghiệp, có tình trạng sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Không có phòng thử nghiệm, không thực hiện phân tích các chỉ tiêu. Doanh nghiệp vẫn công bố các chỉ tiêu chất lượng trên bao bì, tiêu chuẩn chất lượng bẳng các phương pháp được chỉ định. Không lưu mẫu sản phẩm, không lưu kết quả kiểm nghiệm. 

Các chỉ tiêu an toàn như hóa dược, kháng sinh, vi sinh, kim loại nặng gần như không thực hiện kiểm tra, phân tích tường xuyên. Hoặc doanh nghiệp còn ghi lô, ngày sản xuất, địa chỉ, thông tin không đúng, không đầy đủ trên bao bì. Các chỉ tiêu về cảnh báo đánh giá tác động môi trường, giám sát, quan trắc về môi trường, thực hiện thu gom, xử lý chất thải không hợp lý.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp còn vi phạm về chất lượng sản phẩm, vi phạm các chỉ tiêu an toàn được ghi trong các quy chuẩn kỹ thuật (QCVN). Sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi khi nhà nước đã có quy định rõ ràng.

Chính điều này đã làm cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Gây khó khăn cho cơ quan chức năng quản lý trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp...

Doanh nghiệp cần nằm rõ quy định nhà nước về sản phẩm thức ăn chăn nuôi

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải cho rằng, quản lý chặt chẽ thức ăn chăn nuôi trước khi ra thị trường góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: N. N

Cần kiểm soát chặt chẽ trước khi lưu thông trên thị trường

Theo nhận định của ông Nguyễn Nam Hải - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam gia nhập WTO, đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định TPP... quản lý chất lượng là nhu cầu thiết yếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu như sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp không phù hợp với những quy tắc của thị trường, doanh nghiệp có thể đánh mất khách hàng và do đó bán hàng và cung cấp dịch vụ bị giảm sút, gặp phải những khó khăn trong xây dựng hoặc phục hồi hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp.

Một mặt, những nhu cầu và yêu cầu đa dạng của khách hàng dẫn đến sự đa dạng của chất lượng và dịch vụ. Mặt khác, ngày nay những nhu cầu và yêu cầu của khách hàng lại thay đổi rất nhanh chóng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm được một cách căn bản về quản lý chất lượng, bao gồm cả kiểm soát và đảm bảo chất lượng, trong hoạt động chế tạo, chế biến và cung cấp dịch vụ.

"Nhà nước đã có rất nhiều các cơ chế chính sách cũng như các cam kết quốc tế, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Thức ăn chăn nuôi là hàng hóa nhóm 2, thuộc nhóm hàng có khả năng gây mất an toàn, phải được quản lý, kiểm tra, xác nhận chất lượng trước khi nhập khẩu và trước khi đưa ra thị trường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dùng", ông Nguyễn Nam Hải cho biết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng thanh tra pháp chế - Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm cả năm 2014 đạt xấp xỉ 14 triệu tấn, tăng khoảng 700.000 tấn so với năm 2013. Thức ăn chăn nuôi vào khoảng 8 triệu tấn.

Còn theo Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, năm 2013 cả nước sản xuất được khoảng 17 triệu tấn thức ăn công nghiệp các loại. Trong đó, chỉ riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có khoảng 50 doanh nghiệp, chiếm 25% số doanh nghiệp cả nước (200 doanh nghiệp) nhưng nắm giữ đến 65-70% thị phần cả nước.

"Với sản lượng lớn như vậy, đặt ra yêu cầu kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi để đảm bảo sản phẩm an toàn, sử dụng không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng thực phẩm", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có ghi, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm thực thi các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm. hàng hóa. Sản phẩm hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Tuy nhiên, việc công bố này phải đảm bảo các qui định của nhà nước đã ban hành.

Tập huấn "Quản lý chất lượng trong sản xuất thức ăng chăn nuôi"

Theo ông Ngô Văn Mạc - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDEC 2) thuộc Tổng cục TCĐLCL, trong các ngày từ 19 - 21/11/2014 tại Tổng cục TCĐLCL diễn ra chương trình Tập huấn "Quản lý chất lượng trong sản xuất thức ăng chăn nuôi".

Quản lý chất lượng trong sản xuất thức ăng chăn nuôi

SMEDEC 2 tổ chức tập huấn "Quản lý chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi". Ảnh: N. N

Khóa đào tạo này thu hút nhiều học viên đến từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong cả nước. Các chuyên gia của SMEDEC 2 và Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cung cấp cho doanh nghiệp nhiều thông tin cần thiết, bổ ích về các quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý mà doanh nghiệp cần biết khi tham gia sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Từ đó giúp các doanh nghiệp vận hành tốt các quy phạm pháp luật và đảm bảo sản phẩm ra thị trường có chất lượng, an toàn cho người dùng thực phẩm. 

"Khóa học này hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ về những điều mang tính nền tảng mà còn có nhiều thông tin hữu ích về những hệ thống đánh giá chứng nhận, công nhận đối với hệ thống quản lý chất lượng. Doanh nghiệp sẽ được nghe chính các doanh nghiệp trong ngành làm tốt công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi nói kinh nghiệm và thực tế sản xuất tại nhà máy", ông Mạc cho biết thêm.

 Hồng Anh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang