Tiêm vắc xin phòng bệnh thế nào để an toàn cho trẻ

author 06:20 25/07/2013

(VietQ.vn) - Tiêm các loại vắc xin phòng bệnh rất tốt và đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận thì việc tiêm vắc xin cũng tiềm ẩn những nguy cơ tai biến thậm chí khả năng tử vong ở trẻ.

Không có loại vắc xin nào an toàn 100%

GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ đã khẳng định không có loại vắc xin nào tuyệt đối an toàn 100%. Tiêm vắc xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên, kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Và tùy theo cơ địa từng người có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm vắc xin. Phản ứng này có thể là nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại vắc xin cũng như thể trạng sức khỏe cơ thể của đứa trẻ.

Nếu việc tổ chức và thực hành tiêm chủng được thực hiện tốt, tất cả các trường hợp bị mắc bệnh và các trường hợp chống chỉ định hoặc hoãn tiêm được sàng lọc thật tốt, thì số phản ứng sau tiêm chủng sẽ rất thấp.

Những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin thường là: sốt nhẹ, sưng, đau.

"Phản ứng nặng gây tử vong sau tiêm có thể do 4 nguyên nhân. Đó là phản ứng do vắc xin, sai sót trong tiêm chủng, trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh tật có sẵn của trẻ, và phản ứng do tiêm”.

Theo thống kê của các chuyên gia nhi khoa thì cứ 1 trong 4 trẻ tiêm vắc xin sẽ có những biểu hiện phản ứng phụ với thuốc. Những biểu hiện thường gặp có thể là sốt, sưng tấy, sưng phồng, …trên da.
 

 


Trẻ không nên tiêm vắc xin khi nào?

Việc thực hiện quy trình tiêm chủng, bảo quản với các loại vắc xin không khác nhau. Nhưng luôn cần chú ý mỗi loại vắc xin luôn có một yêu cầu về sức khỏe với trẻ.

Vắc xin Bạch hầu, uốn ván, ho gà: Thời điểm nên cho bé tiêm loại vắc xin này là khi đã được 2 tháng tuổi.

Trong trường hợp trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn, sốt cao, rối loạn thần kinh (co giật, viêm não và các bệnh về não)… không nên tiêm.

Vắc xin Bại liệt: Loại vắc xin này bé sẽ được uống chứ không phải tiêm.

Tuyệt đối không được cho uống vắc xin phòng bại liệt khi trẻ đang bị sốt, bị nôn, tiêu chảy, đang điều trị thuốc corticoid, mắc bệnh ác tính (u lympho, bạch cầu cấp…) hoặc bị nhiễm HIV.

Vắc xin phòng Sởi: Thời điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi khi trẻ hơn 9 tháng tuổi.

Khi trẻ đang sốt cao, bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV cần hoãn tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Vắc xin Viêm gan B: Trước khi được tiêm chủng, trẻ cần được bác sĩ thăm khám trước. Trẻ chỉ được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh khi đã bú tốt.

Còn những trẻ đẻ non, cân nặng thấp, trẻ bị đẻ khó, mẹ bị sốt trước, sau khi sinh, nước ối bẩn, con bị ngạt, thai già tháng, trẻ dị tật… cần được thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên. Đối với những trẻ đang bị ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thì cần được hoãn tiêm".

Trong trường hợp với trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 1,5kg) có thể chờ cho đến khi trẻ được 2kg hoặc từ 2 tháng tuổi mới bắt đầu tiêm, khi trẻ đang sốt cũng không nên tiêm.

Viêm não Nhật Bản: Không được tiêm khi trẻ đang sốt cao, mắc bệnh tim, thận, gan, đái tháo đường, đang mắc bệnh ung thư máu và nhất là trẻ đã từng bị dị ứng với vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Ngoài những vắc xin phòng các bệnh trên còn có nhiều loại khác như: thủy đậu, quai bị, cúm, viêm màng não… Tuy nhiên, để tiêm vắc xin phòng bệnh được an toàn và hiệu quả, tốt nhất trước khi tiêm nên tham khảo ý kiến bác sĩ và hỏi rõ về thời điểm tiêm vắc xin.

Anh Ngọc
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang